14/01/2025 13:10
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh gắn bó với nghề làm khô hơn 10 năm nay. Chị Linh chủ yếu sản xuất các loại khô như khô cá đuối, cá đù, cá ngát, cá mối… “Tôi làm khô bán quanh năm, nhưng sôi động nhất là thời điểm những tháng cận tết, đây là thời điểm mà lượng khô được sản xuất nhiều nhất và lượng người mua tăng mạnh”, chị Linh cho biết.
Vào tháng cận tết, chị Linh sản xuất 80 - 90kg khô các loại để giao cho khách hàng TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Chị Linh nói: “Những ngày thường tôi chỉ sản xuất 40 - 50kg khô các loại, từ tháng 11 âm lịch trở đi số lượng khách hàng mua tăng nên tôi sản xuất với số lượng gấp đôi. Khách mua chủ yếu là khách mối và họ đặt để làm quà tặng trong dịp tết, mỗi đơn đặt hàng thường từ 10 - 15kg, giá bán từ 120.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại khô”.
Anh Nguyễn Chiêu Linh, ngụ xã Vân Khánh Tây phơi cá khô.
Để có khô ngon phải qua nhiều công đoạn, chị Linh thu mua nguồn nguyên liệu tươi. Trong quá trình làm khô, các công đoạn như rửa, xẻ, ướp, phơi nắng đều được chị Linh làm cẩn thận. Khô sau khi phơi nắng 2 ngày, được đóng gói, hút chân không và giao cho khách hàng. Những khách hàng ở tỉnh xa, chị Linh đóng gói cẩn thận và giao hàng bằng xe khách, đảm bảo đến tay khách hàng sớm nhất.
Với kinh nghiệm gần 8 năm làm nghề tôm khô, chị Đỗ Trà My, ngụ ấp Ngọc Thuận, xã Đông Hưng A kiếm được hàng chục triệu đồng vào thời điểm cận tết. Chị My cho biết: “Giá tôm khô vào dịp tết từ 300.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng/kg. Do nhu cầu ăn uống, biếu tặng tôm khô dịp tết tăng nên tôi nhận nhiều đơn đặt hàng, nhờ đó mỗi ngày tôi thu vài trăm ngàn đến vài triệu đồng từ tôm khô. Muốn tôm khô được thơm ngon thì công đoạn tẩm ướp gia vị là quan trọng nhất, sau đó mang khô phơi ngay để tránh bị hư hỏng. Làm tôm khô đều làm thủ công, không dùng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Xếp cá chuẩn bị phơi.
Tranh thủ thời gian nông nhàn, chị Nguyễn Thị Cà Nâu, ngụ ấp Kim Quy A2, xã Vân Khánh Tây đi làm thời vụ tại một cơ sở sản xuất khô ở xã Vân Khánh, với các công việc như sơ chế cá, tẩm ướp gia vị, phơi khô và đóng gói, mỗi ngày chị kiếm được 200.000 đồng.
“Hàng năm, cứ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán tôi xin làm khô để kiếm thêm tiền xài tết. Với tôi, việc này không có gì nặng nhọc, chỉ hơi vất vả ở chỗ phải canh nắng và đảo cho cá khô đều, đổi lại tôi có thêm thu nhập để trang trải khi tết sắp đến. Những ngày cận tết, số lượng khách hàng đặt khô nhiều, nên tôi thường làm đến tối muộn đóng gói gửi cho khách hàng”, chị Nâu nói.
Vào cao điểm tết, anh Nguyễn Chiêu Linh, ngụ xã Vân Khánh Tây xuất bán hơn 1 tấn khô thành phẩm các loại, công suất hoạt động tại cơ sở của anh tăng lên gấp đôi. Để phục vụ nhu cầu khách hàng, anh Linh ngày càng chăm chút hơn về mẫu mã, chất lượng khô. Sản phẩm chủ lực của anh Linh là tôm khô, khô cá đù, khô cá ngát… Các loại khô này gần tết đều rất đắt hàng. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, anh Linh phải tăng cường thêm nhân công và tăng công suất hoạt động mới có thể đủ cung ứng.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN
(KGO) - Sáng 14-1, chuyến hàng bình ổn thị trường đã đến xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang), phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tổng số lượt truy cập: