03/03/2022 14:04
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, TẠO THU NHẬP ỔN ĐỊNH
Hòn Đất là một trong những huyện có nghề khai thác hải sản phát triển mạnh kéo theo nghề đan lưới được hình thành để phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản của ngư dân. Làng nghề đan lưới xã Bình Sơn (Hòn Đất) được hình thành từ năm 1947, nhằm cung cấp tay lưới chất lượng cho ngư dân. Ban đầu chỉ có một vài hộ làm nghề này, do nhu cầu đánh bắt ngày càng nhiều nên người dân ở địa phương học nghề lẫn nhau và truyền nghề cho con cháu, phát triển nghề và hình thành làng nghề đan lưới đến ngày nay.
Nghề đan lưới không đòi hỏi kỹ thuật cao, người già hay trẻ nhỏ chỉ cần chịu khó, chăm chỉ đều có thể làm được. Nghề đan lưới xã Bình Sơn không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho người dân lúc nhàn rỗi mà còn giúp gắn kết thành viên gia đình, cộng đồng, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Theo ông Trần Văn Liêm, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, nghề đan lưới xuất hiện từ rất lâu. Từ khi ông sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ bắt đầu làm nghề đan lưới. “Ông nội của tôi theo nghề đan lưới từ năm 18 tuổi, rồi truyền nghề cho cha tôi. Đến nay, cha tôi vẫn làm nghề này. Tôi được cha dạy cách đan lưới và từ đó theo nghề đến nay”, ông Liêm nói.
Hiện nay, làng nghề đan lưới xã Bình Sơn có hơn 300 hộ dân đang làm nghề, tập trung chủ yếu ở ấp Vàm Rầy và ấp Thuận An, tạo việc làm cho hơn 400 lao động, thu nhập bình quân từ 180.000-250.000 đồng/người/ngày. Các hộ dân chủ yếu nhận gia công mới và số ít sửa chữa, vá tay lưới cũ. Tiền công hoàn thiện một tay lưới mới khoảng 200.000 đồng, sửa và vá tay lưới cũ khoảng 180.000 đồng. Làng nghề đan lưới xã Bình Sơn được nhiều người trong và ngoài huyện Hòn Đất biết đến và đặt hàng nhiều.
Chị Trần Thị Dương, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất) gia công lưới tại nhà.
Phần lớn các hộ gia đình làm nghề này đều có việc làm quanh năm nên thu nhập ổn định. Thợ đan lưới lành nghề có thể kiếm thêm thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Dương, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn chia sẻ: “Từ lúc lên 10 tuổi tôi được cha dạy cho nghề đan lưới. Đến lúc lập gia đình riêng, chồng tôi làm thợ hồ, tôi ở nhà vừa chăm con, vừa gia công lưới cho các ghe. Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 5 triệu đồng, phụ giúp gia đình trang trải chi phí cuộc sống, nuôi con ăn học ”.
ĐỂ NGHỀ ĐAN LƯỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo bà Lâm Thị Nga, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, trước đây, khi khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, quá trình hoàn thành một tay lưới hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của người thợ, mỗi công đoạn đều làm thủ công. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, một số công đoạn làm lưới được thực hiện bằng máy móc, còn lại vẫn phải làm bằng tay như kết phao, gắn chì… Màng lưới dệt bằng máy đã thay thế hoàn toàn màng lưới đan bằng tay, quá trình làm một tay lưới đơn giản hơn, đỡ tốn nhiều công sức và thời gian.
Tuy nhiên, khó khăn của người dân làm nghề đan lưới hiện nay là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu để gia công. Người dân chủ yếu nhận gia công, chưa tự sản xuất thành sản phẩm bán ra thị trường. Nhiều hộ muốn mở rộng quy mô sản xuất, tự sản xuất thành sản phẩm số lượng lớn nhưng vẫn chưa thực hiện được do còn phụ thuộc vào đầu mối phân phối lưới, chì, phao từ đại lý trung gian, phí vận chuyển cao. Các hộ dân chưa có sự liên kết, chủ yếu làm đơn lẻ theo hộ gia đình nên chưa thể sản xuất theo đơn đặt hàng số lượng lớn.
Đồng chí Bùi Phước Dư - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Sơn cho biết: “Với sự quan tâm của huyện, tỉnh, nghề đan lưới xã Bình Sơn đã được công nhận là nghề truyền thống. Thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích người dân trong làng nghề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất nguyên liệu như lưới, chì, phao giúp bà con chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ, giảm chi phí, từ đó nâng cao thu nhập của các hộ dân làm nghề đan lưới”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: