14/06/2022 17:24
TÀU CÁ NẰM BỜ
Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) là một trong những cảng cá lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, từ nhiều tháng nay, cảng cá trở nên vắng vẻ, không còn nhộn nhịp các tàu thu mua thủy hải sản như trước, đôi khi chỉ có một vài chiếc tàu thu mua lên hàng. Nhiều tàu đánh bắt thủy sản nằm bờ vì hết chi phí hoặc không dám cho tàu ra khơi do sợ lỗ, bởi chi phí xăng, dầu tăng gần gấp đôi so trước đây. Theo thống kê từ Ban Quản lý cảng cá bến cá tỉnh, số lượng tàu cập cảng 5 tháng đầu năm 2022 là 913 lượt, giảm 14,35% so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng hàng thủy sản bốc dỡ qua cảng 40.143 tấn, giảm 44,5% so cùng kỳ năm 2021.
Tình hình giá dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác hải sản của các tàu cá. Đối với nhóm tàu có chiều dài từ 15m trở lên, chi phí cho 1 chuyến biển đánh bắt từ 1-2 tháng khoảng từ 1,2 tỷ đồng, từ khi giá dầu tăng chi phí tăng thêm từ 400-500 triệu đồng/chuyến biển. Đối với nhóm tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, chi phí 1 chuyến biển khoảng 30 triệu đồng, sau khi giá dầu tăng, chi phí tăng thêm 10 triệu đồng/chuyến biển. Giá dầu tăng, trong khi giá bán sản phẩm thấp, lợi nhuận rất ít, có khi không có lợi nhuận hoặc lỗ vốn. Nhóm tàu có chiều dài dưới 12m đánh bắt theo ngày chỉ đủ trang trải cuộc sống. Hiện tại, qua rà soát, ước tính khoảng 19,65% tàu cá tạm nghỉ, ít hoạt động, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Phạm Ngọc Thắng - chủ doanh nghiệp tư nhân hậu cần nghề cá Minh Dũng, xã Bình An (Châu Thành) chia sẻ: “Chi phí nhiên liệu chiếm đến 70-80% tổng chi phí ra khơi. Giá dầu tăng kéo theo các khoản chi phí khác tăng theo như nước đá, lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, nguồn thủy sản đánh bắt được ngày càng suy giảm, giá bán không tăng, ngư dân không dám mạo hiểm cho tàu ra khơi. Tôi có 3 tàu thu mua thủy. Từ đầu năm 2022 đến nay, tôi cho 2 tàu nằm bờ, 1 tàu hoạt động thu mua cầm chừng để trả lương nhân công. Nhiều mặt hàng thủy sản khan hiếm hoặc số lượng giảm mạnh, không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có mực, bạch tuộc. Nguồn cá biển giảm khoảng 20-30% so năm trước”.
DOANH NGHIỆP THIẾU NGUỒN NGUYÊN LIỆU
Trước bối cảnh giá xăng, dầu tăng, ngành chế biến thủy sản chịu tác động mạnh bởi nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân. Trước áp lực giá nhiên liệu tăng cao, nhiều chủ tàu cá không còn khả năng tài chính để tàu ra khơi, nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến thiếu hụt trầm trọng.
Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Châu Thành) sơ chế mực tuộc.
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại huyện Châu Thành, chưa có năm nào các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh lại đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Từ đầu năm 2022 đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản thiếu hụt trầm trọng, nguồn thủy sản đánh bắt trong tỉnh chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân do thời tiết, giá dầu tăng khiến tình hình đánh bắt thủy sản của ngư dân không thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn khi giá xăng, dầu tăng, các chi phí đầu vào, chi phí dịch vụ logictis đều tăng cao, giá thành sản xuất tăng. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp, nhiều đơn hàng bị hủy, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Ông Đào Hoàng Chiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường kiêm Phó Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Thủy sản Tắc Cậu (Châu Thành) nói: “Hiện tại, do thiếu nguồn nguyên liệu, công ty chỉ hoạt động cầm chừng để trả lương cho người lao động. Để có thêm nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp buộc phải tìm thêm các nguồn hàng từ các tỉnh để đủ số lượng duy trì cho nhà máy. Trước tình hình khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngành thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động sản xuất; có chính sách hỗ trợ giá dầu đối với ngư dân khai thác thủy sản để ngư dân an tâm bám biển”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua giá xăng, dầu tăng gây khó khăn cho ngành đánh bắt thủy sản, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến. Do đó, để góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu, giá cả thị trường, Sở Công thương sẽ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về luật giá, biện pháp chế tài, minh bạch thông tin thị trường nhằm ổn định tâm lý người dân. Ban Chỉ đạo 389/KG tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Sở Công thương kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước áp lực giá xăng, dầu tăng, nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa. Sở Công thương theo dõi sát tình hình thị trường, việc cung ứng hàng hóa trong trường hợp biến động lớn về giá, phối hợp Sở Tài chính triển khai các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bài và ảnh: THIỆN NHÂN
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: