21/04/2023 11:07
NGUỒN LỢI HẢI SẢN DẦN CẠN KIỆT
Đến cuối năm 2022, Kiên Giang có khoảng 9.800 tàu khai thác hải sản, chiếm hơn 10% số tàu cả nước. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm khoảng 585.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước. Thời gian qua, việc đánh bắt, khai thác hải sản đã tạo sinh kế, mang lại cuộc sống ấm no cho hàng chục ngàn lao động ở tỉnh, nhất là ngư dân các địa phương giáp biển.
Kiên Giang đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên hải sản. Ngoài các yếu tố khách quan thì tình trạng khai thác quá mức, đánh bắt theo kiểu tận diệt đã làm các loài hải sản không kịp tái tạo. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I-2023, sản lượng hải sản khai thác trên ngư trường của tỉnh khoảng 103.548 tấn, giảm gần 20% so cùng kỳ năm 2022. Ngoài các nguyên nhân như giá dầu, giá ngư lưới cụ cao làm chi phí chuyến biển tăng lên thì còn do trữ lượng hải sản của ngư trường ngày càng ít...
Các loại cào bờ, xiệp mé có mắt lưới nhỏ hoạt động liên tục làm cho các loài hải sản không kịp tái tạo. Ảnh: QUỐC TRINH
Theo Đại tá Nguyễn Trường Giang - Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, tình trạng đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện diễn ra phổ biến ở tất cả địa phương ven biển Kiên Giang. Chỉ trong hơn hai tháng đầu năm 2023, các đồn biên phòng đã bắt giữ, xử lý gần 10 vụ, tịch thu 16 bộ kích điện. Trên một số vùng biển, lực lượng biên phòng thường xuyên phát hiện, bắt giữ các tàu của ngư dân dùng xung điện để đánh bắt cá, tôm.
Việc sử dụng xung điện để đánh bắt cá, tôm là vi phạm pháp luật, nguy hiểm đến tính mạng chính người sử dụng, làm tận diệt các loài hải sản. Mới đây, Ngô Văn Cảnh (33 tuổi), ngụ tỉnh Bình Thuận sau khi bị lực lượng biên phòng bắt, tịch thu 6 bộ kích điện đã khai nhận mặc dù biết sử dụng kích điện bắt cá là sai, nhưng do nguồn hải sản ngày càng ít nên phải sử dụng kích điện mới bắt được nhiều cá để có tiền trang trải cuộc sống.
Tại các vùng biển ven bờ, không khó phát hiện hàng trăm phương tiện cào bờ, xiệp mé vẫn ngày đêm hoạt động. Cùng với đó, rất nhiều phương tiện đánh bắt hải sản dùng ngư lưới cụ có mắt lưới nhỏ neo đậu dọc các cửa biển chờ xuất hành. Người đi đường dễ dàng bắt gặp tại các chợ trên tuyến quốc lộ 80, cửa biển TP. Rạch Giá, huyện Hòn Đất, có hàng chục phụ nữ bày bán tôm tích, ghẹ, cá, tôm cỡ rất nhỏ, đây là “sản phẩm” của những chiếc cào bờ, xiệp mé ven bờ sau những giờ hoạt động trên biển. Một ngư dân giải thích: “Hiện nay, cá, tôm cạn kiệt nên ngư dân phải dùng lưới mắt nhỏ để đánh bắt mới mong có vài ký để bán vào buổi sáng kiếm tiền mua gạo, nuôi con…”.
NỖ LỰC BẢO VỆ NGUỒN LỢI
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, dự kiến từ tháng 7-2023 đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang sẽ cắt giảm khoảng 597 tàu cá. Đồng thời, tỉnh sẽ điều chỉnh cơ cấu nghề theo hướng giảm tàu ở nhóm nghề lưới kéo, lưới rê, nghề câu và tăng tàu cá ở nhóm nghề vây, nghề lồng bẫy. Đến năm 2025, số lượng tàu cá khai thác bền vững chỉ còn 9.219 tàu.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân vùng quản lý hoạt động khai thác hải sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi; quy định khu vực cấm khai thác quanh năm ven biển 3 hải lý, ven đảo 1 hải lý, khu vực cấm khai thác hải sản có thời gian tại vịnh Rạch Giá, đảo Hòn Tre, quần đảo Bà Lụa và quần đảo Hải Tặc.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền ngư dân không đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt. Ảnh: TIẾN VINH
Bên cạnh một số nghề, ngư cụ cấm khai thác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bổ sung một số nghề cấm khai thác như nghề cào banh lông, cấm phát triển số lượng tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê. Đồng thời, quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với một số đối tượng thủy sản đặc thù như ghẹ xanh, nghêu lụa, sò lông, sò huyết, hến…
Một trong những biện pháp để bảo vệ nguồn lợi hải sản tiếp theo của Kiên Giang là kiểm soát chặt chẽ các xưởng đóng tàu; tuyên truyền, giáo dục người dân không tự phát đóng tàu ra khơi, từng bước thực hiện chuyển đổi nghề.
Đồng thời triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
LÊ VINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: