12/09/2023 10:09
Trước đây, gia đình ông Võ Thanh Hùng, ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất, nhà đông con. Năm 2018, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên hỗ trợ vay 20 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi rắn ri voi. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, năm 2021, gia đình ông vươn lên thoát nghèo và trả được khoản vay.
Để tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế, tháng 6-2022, ông Hùng vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông Hùng ngày càng khấm khá.
Ông Hùng chia sẻ: “Do không có vốn nên trước đây tôi nuôi rắn ri voi trong lu, khạp, khó phát triển. Nhờ được vay 20 triệu đồng tôi xây dựng 4 bồn nuôi rắn ri voi. Hiện tôi có 5 bồn nuôi với hơn 100 con rắn. Mỗi năm tôi bán rắn giống và rắn thương phẩm được hơn 70 triệu đồng. Từ thu nhập này, tôi mở rộng mô hình kinh tế và mua nhiều vật dụng cho gia đình”.
Ông Võ Thanh Hùng vay vốn tín dụng chính sách để phát triển mô hình nuôi rắn ri voi.
Mùa mưa này, gia đình bà Nguyễn Thi Dân, ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên không còn gặp bất tiện trong việc vệ sinh cá nhân vì công trình vệ sinh khép kín vừa được xây dựng hoàn thiện. Công trình này được xây dựng nhờ nguồn vốn từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên.
Bà Dân chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi làm nhà vệ sinh trên sông nên bất tiện trong sinh hoạt, nhất là mùa mưa bão. Đầu năm 2023, gia đình tôi được vay 10 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh trong nhà, thuận tiện cho sinh hoạt. Gia đình tôi vui vì được chính quyền, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ”.
Bà Nguyễn Thi Dân (bên trái) được vay vốn tín dụng chính sách để xây dựng nhà vệ sinh khép kín.
Ngoài gia đình bà Dân, trên địa bàn huyện An Biên còn có hàng ngàn công trình nước sạch, vệ sinh khu vực nông thôn được sửa chữa, xây mới nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Điều này không chỉ góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đẩy nhanh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên Nguyễn Tấn Mãi, đến tháng 8-2023, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 362 tỷ đồng với hơn 14.000 lượt khách hàng vay vốn; trong đó có hơn 3.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; hơn 4.200 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, xây mới…
Đồng chí Nguyễn Tấn Mãi cho biết: "Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện tốt giải pháp nhằm huy động và giải ngân nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đối tượng chính sách, nhất là hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến năm 2023 và nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch xã".
Bài và ảnh: ANH THƯ
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: