26/09/2023 08:58
Theo đánh giá của ngành điện, thay thế công tơ điện tử ngoài việc giúp khách hàng theo dõi được số điện năng đã sử dụng hàng ngày, minh bạch trong khâu giám sát sử dụng điện còn tạo thuận lợi bảo đảm lộ trình, thực hiện việc chuyển đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng.
Trước đây, khi hạ tầng công nghệ đo đếm điện năng chưa đáp ứng và chưa ứng dụng chuyển đổi số, thì việc ghi chỉ số (GCS) điện năng tiêu thụ hàng tháng chưa thể thống nhất trong cùng một ngày, phải ghi chỉ số trong nhiều ngày của tháng, tùy theo phân loại khách hàng và từng khu vực.
Từ khi chủ trương chuyển đổi lịch ghi chỉ số được triển khai thực hiện, Điện lực Rạch Giá tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng, đơn vị, doanh nghiệp nắm vững các nội dung, chủ trương của ngành điện. Nhờ sự nỗ lực “đi từng ngõ gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn, khách hàng, doanh nghiệp từ thắc mắc, nghi ngại đến nay đồng tình hưởng ứng.
Trước đây, khi sử dụng công tơ cơ, đến kỳ chốt sản lượng, nhân viên ngành điện phải đến từng hộ dân ghi chỉ số. Ảnh: HUỲNH LÀI
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tính Ngọc Thạch là nhà máy sản xuất, kinh doanh nước đá trên đường Nguyễn Trường Tộ, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá. Mỗi ngày, công ty sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 cây đá. Trung bình mỗi tháng, công ty tiêu thụ sản lượng điện từ 50.000-60.000 KW điện. Vào mùa cao điểm nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ của nhà máy tăng gấp 1,5 lần con số trên. Do đó, việc ghi chỉ số điện và hóa đơn vào ngày cuối tháng giúp công ty dễ nhớ ngày ngày, tháng điện tăng để điều chỉnh cho phù hợp công tác theo dõi tài chính của doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tính - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tính Ngọc Thạch cho biết: “Tôi rất đồng tình việc ngành điện ghi sản lượng điện tiêu thụ trong tháng về cuối tháng. Việc này sẽ rất dễ dàng trong việc theo dõi sản lượng điện tiêu thụ, từ đó dễ dàng trong điều chỉnh chi tiêu của nhà máy”.
Khi sử dụng công tơ điện tử, nhân viên ngành điện đọc được chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng thông qua công cụ đo đếm từ xa. Ảnh: HUỲNH LÀI
Để bảo đảm lộ trình thực hiện chuyển đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện, bên cạnh công tác tuyên truyền, Điện lực Rạch Giá (Kiên Giang) khẩn trương rà soát thay thế dần công tơ cơ thành công tơ điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa, bởi hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cấp là một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho việc thu thập và xử lý số liệu trong một ngày.
Đến tháng 7-2023, trên địa bàn Điện lực Rạch Giá có tổng số 89.226 khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử, đạt 100%; trong đó, có trên 98,7% có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. Điều này giúp Điện lực Rạch Giá thực hiện việc đo đếm điện một cách tự động hóa và chính xác hơn, tiện lợi cho việc ghi chỉ số cùng một ngày. Qua đó, giúp công tác hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng; tuân thủ đúng theo yêu cầu, quy định nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tuyến, khách hàng dễ dàng giám sát, kiểm soát chỉ số, mức tiêu thụ điện…
Ông Trần Lâm Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Điện lực Rạch Giá cho biết: “Việc dịch chuyển lịch GCS về ngày cuối tháng không làm thay đổi quyền lợi của khách hàng. Thêm vào đó, người dân sẽ dễ nhớ hơn cùng các hóa đơn khác để tránh nhầm lẫn cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán”.
Dự kiến đến tháng 11-2023, 100% khách hàng tại TP. Rạch Giá sẽ chuyển sang chốt chỉ số điện vào cuối tháng. Trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, Điện lực Rạch Giá thông báo trước khách hàng thời gian thực hiện cụ thể và giải thích chi tiết các thay đổi về sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng, đảm bảo việc tính toán giá điện tuân thủ đúng nội dung quy định.
THANH NHƯ
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: