10/07/2023 14:43
Ngày 23-6-2023, KienlongBank chi nhánh Rạch Giá phối hợp Trường Đại học Kiên Giang tổ chức lễ ký kết hợp tác và khánh thành phòng trải nghiệm ngân hàng số. Phòng trải nghiệm ngân hàng số của KienlongBank gồm hệ thống máy STM thông minh giúp cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường thuận lợi hơn trong các giao dịch và sinh hoạt thường ngày như nộp học phí, chuyển khoản, thanh toán, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tăng tính bảo mật, an toàn trong các giao dịch.
Phòng trải nghiệm ngân hàng số tại trường được đưa vào vận hành sẽ tạo điều kiện cho sinh viên ngành tài chính - ngân hàng được trải nghiệm thực tế các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái ngân hàng số của KienlongBank ngay tại khuôn viên trường.
Em Nguyễn Vũ Kiệt, sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Thay vì phải đến năm thứ 3 và thứ 4 đại học, sinh viên mới đi thực tập tại các ngân hàng thì nay các em được thực tập hàng ngày tại phòng trải nghiệm ngân hàng số do KienlongBank trang bị. Điều này sẽ giúp sinh viên làm quen các công việc tại quầy kho quỹ, hồ sơ tín dụng và hệ thống máy STM…”.
Sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường Đại học Kiên Giang thực tập tại phòng trải nghiệm ngân hàng số do KienlongBank tài trợ.
Năm 2023 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển và chuyển đổi số, là mốc thời gian quan trọng cho giai đoạn tăng tốc, phát triển của toàn hệ thống KienlongBank, hướng tới ngân hàng số hiện đại và toàn diện, tiến bước vào kỷ nguyên số đang diễn ra trên toàn cầu.
Bà Lê Thụy Thủy Tiên - Giám đốc KienlongBank chi nhánh Rạch Giá cho biết: Phòng trải nghiệm ngân hàng số được KienlongBank trang bị tại Trường Đại học Kiên Giang như một ngân hàng số thu nhỏ, cho phép sinh viên ngành tài chính - ngân hàng trải nghiệm thực tế các sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái ngân hàng số KienlongBank.
"Ngành ngân hàng đang bước sang giai đoạn mới, đánh dấu sự giao thoa giữa ngành tài chính, ngân hàng và chuyển đổi số. Trong quá trình đó, nhân sự là vấn đề lớn nhiều ngân hàng gặp phải khi không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Vì vậy, việc trang bị cho các em sinh viên kiến thức và trải nghiệm thực tế ngay trên ghế nhà trường sẽ góp phần giải quyết bài toán này”, bà Lê Thụy Thủy Tiên nói.
Sinh viên ngành tài chính - ngân hàng Trường Đại học Kiên Giang trải nghiệm hệ thống máy STM thông minh được KienlongBank trang bị tại trường.
Khởi động từ cuối năm 2021, dự án chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) mới của KienlongBank chính thức vận hành từ tháng 4-2023. Đây là bước đi quan trọng trong hành trình hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo ra sự thay đổi và đột phá lớn trong hoạt động cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng của KienlongBank.
Hệ thống Core Banking được xem là hạt nhân trung tâm của mọi thông tin và hoạt động ngân hàng. Hệ thống xử lý dữ liệu của tất cả giao dịch trong các phân hệ nghiệp vụ và cập nhật toàn bộ thông tin giao dịch lên cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, Core Banking còn được tích hợp với các hệ thống và kênh thanh toán khác của ngân hàng như Core thẻ, ATM, Citad, CIC, SWIFT, Internet Banking, Mobile Banking…
Thông qua hệ thống Core Banking, ngân hàng có thể cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ và tiện ích, đồng thời quản lý các quy trình vận hành nội bộ một cách chặt chẽ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường. Việc nâng cấp hệ thống Core Banking tạo nên bước chuyển biến lớn trong hoạt động, quyết định tính đa dạng của sản phẩm, khả năng mở rộng mạng lưới kinh doanh, đa dạng hóa kênh dịch vụ của KienlongBank.
Theo bà Lê Thụy Thủy Tiên, năm 2023 là năm nối tiếp lộ trình số hóa của KienlongBank, đồng thời cũng là năm mở đầu cho nhiệm kỳ mới của hội đồng quản trị (2023-2027), KienlongBank đặt mục tiêu tăng tốc bứt phá trên chặng đường chuyển đổi số toàn diện, đưa kênh số hóa và sản phẩm số hóa là động lực chính cho sự tăng trưởng. Với định hướng mở rộng phát triển hoạt động bán lẻ, việc chuyển đổi thành công hệ thống Core Banking là nền tảng để KienlongBank hiện thực chiến lược số hóa.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: