09/12/2022 16:33
Kiên Lương nằm ở vùng tứ giác Long Xuyên, tiếp giáp với TP. Hà Tiên và các huyện Hòn Đất, Giang Thành. Huyện có tuyến quốc lộ 80 đi qua địa bàn 3 xã, thị trấn với tổng chiều dài gần 30km.
Ngoài ra, huyện có mạng lưới giao thông đường biển, đường thủy, đường bộ nối liền các xã, thị trấn. Kiên Lương có thế mạnh về du lịch. Nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp cùng mức thu nhập của người dân khá cao… Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng cho biết, để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, Huyện ủy, UBND huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Huyện khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành, nghề kinh doanh.
"Nhờ vậy, những năm gần đây, thương mại, dịch vụ của huyện phát triển mạnh, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân”, đồng chí Lê Thanh Hưởng nói.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành, 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của huyện đạt 8.771,95 tỷ đồng, tăng 23,45% so cùng kỳ 2021, đóng góp 7,34% cho tỉnh trong lĩnh vực này.
Tiểu thương tại khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương trưng bày hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.
Hiện trên địa bàn huyện Kiên Lương có 3 chợ là chợ Tròn Kiên Lương, chợ Bình An và chợ Dương Hòa; 1 trung tâm thương mại là Trung tâm Thương mại Ba Hòn.
Huyện còn có hơn 5.500 hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ như kinh doanh ăn uống, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy, vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ…
Hạ tầng thương mại phát triển, sự xuất hiện của các siêu thị điện máy, cửa hàng tự chọn đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân. Từ đó, người dân được tiếp cận và lựa chọn nhiều loại hàng hóa theo nhu cầu.
Bà Lâm Ngọc Thơ, ngụ thị trấn Kiên Lương chia sẻ: “Những năm gần đây, khi giao thông phát triển, việc lưu thông hàng hóa ngày càng thuận tiện. Sự xuất hiện của các siêu thị, cửa hàng, đại lý lớn, bày bán đầy đủ các mặt hàng đã giúp người dân thuận tiện mua sắm hàng hóa”.
Là hộ kinh doanh tại khu vực trung tâm thị trấn Kiên Lương, ông Nguyễn Văn Thanh nói: “Với lợi thế có địa điểm kinh doanh nằm ở trung tâm thị trấn, nhiều năm qua, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đầu tư kinh doanh các mặt hàng may mặc, giày dép. Nhờ chú trọng chất lượng sản phẩm, cập nhật mẫu mã mới, cơ sở nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng địa phương”.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quan tâm của huyện Kiên Lương trong việc phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn đã góp phần phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Bài và ảnh: THANH NHÃ
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: