03/11/2022 11:17
BÁN CẦM CHỪNG
Qua khảo sát, chiều ngày 2-11, chỉ riêng địa bàn thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, nhiều cây xăng tư nhân treo bảng hết xăng. Tại các xã, cây xăng vẫn mở bán bình thường, số lượng bán không giới hạn. Trong khi đó, một số cây xăng ở thị trấn Giồng Riềng, số lượng xăng bán cho khách vẫn còn giới hạn 30.000 đồng/xe máy, 300.000 đồng/ô tô.
Do hầu hết cây xăng tư nhân đều đóng cửa với lý do hết xăng nên lượng người tập trung đến Cửa hàng xăng, dầu Petrolimex - Cửa hàng số 3 nằm trên đường Hùng Vương, khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng rất đông. Lúc cao điểm có đến hàng trăm người tập trung chờ đến lượt đổ xăng, dẫn đến tình trạng kẹt xe cục bộ trên đoạn đường đi qua địa bàn khu phố 6.
Người dân tập trung mua xăng tại Cửa hàng xăng, dầu số Petrolimex - Cửa hàng số 3, khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Đợi 1 tiếng đồng hồ mới đổ được xăng với định mức 30.000 đồng là trường hợp của chị Trần Thị Trang, ngụ xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng. Chị Trang nói: “Tôi đi khám bệnh ở TP. Rạch Giá, đến thị trấn Giồng Riềng thì hết xăng. Gặp lúc kẹt xe nên đợi hơn 1 tiếng mới vô được cây xăng nhưng chỉ đổ được tới định mức 30.000 đồng/xe như những ngày trước”.
Theo quan sát của phóng viên, chiều 2-11, rất nhiều người dân đến mua xăng, dầu tại Cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga, khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao. Những người lái xe xếp hàng trật tự chờ đến lượt đổ xăng.
Anh Phạm Hồng Thường - đại diện Cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga cho biết: “Do nguồn cung vẫn còn hạn chế nên cửa hàng bán cho người dân 50.000 đồng/xe máy/lượt; ô tô thì 300.000 đồng/xe/lượt. Rất mong người dân chia sẻ nhiên liệu lẫn nhau trong lúc khó khăn này”.
Người dân huyện Gò Quao đổ xăng tại Cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga, khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao. Ảnh: THANH NHÃ.
Ông Danh Sóc, ngụ khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao nói: “Người dân thông cảm cùng cửa hàng bán xăng, dầu với định mức 50.000 đồng/xe/lượt trong thời điểm này. Ai cũng cần nhiên liệu để đi lại, sản xuất, nếu người mua trước nhiều quá thì người sau sẽ không có nhiên liệu”.
Theo đồng chí Trương Cà Uôl - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Quao, đến 15 giờ ngày 2-11, trên địa bàn huyện có 4/26 cửa hàng xăng, dầu hết xăng, hết dầu; 5/26 cửa hàng hết xăng, còn dầu.
Các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn huyện Gò Quao được cung cấp bởi các nhà phân phối như Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang, Công ty Dầu khí Đông Nam, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang…
LỖ VÌ CHIẾT KHẤU THẤP
Xăng RON95-III đến chiều ngày 2-11 được các đại lý bán lẻ trên địa bàn thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng bán ra với giá 23.200 đồng/lít, tăng 410 đồng/lít so ngày 31-10. Nhiều cây xăng bán lẻ vẫn đóng cửa.
Anh Trần Thanh Dũng - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Phương, khu phố 7, thị trấn Giồng Riềng nói: “Đã 10 ngày nay, cây xăng gia đình phải đóng cửa vì không lấy được xăng từ công ty cung cấp. Tôi hỏi thì công ty trả lời chưa biết khí nào mới có nguồn hàng trở lại. Mặc dù thua lỗ nhưng tôi vẫn “bấm bụng” bán cầm cự để phục vụ người dân vì đang vô vụ làm lúa đông xuân, nhu cầu sử dụng xăng phục vụ bơm tác tăng mạnh”.
Anh Dũng cho biết, liên tục 8 tháng qua, anh kinh doanh xăng, dầu lỗ gần 500 triệu đồng vì mức chiết khấu thấp, chỉ từ 50-100 đồng/lít, trong khi chi phí thuê xe bồn tốn từ 300-500 đồng/lít, lại còn tốn tiền thuê nhân công, tiền điện, thất thoát….
Giá xăng RON95-III đến chiều 2-11 tại TP. Rạch Giá được niêm yết mức 23.200 đồng/lít. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Theo anh Phạm Hồng Thường - đại diện Cửa hàng xăng, dầu Tuyết Nga, khu phố Phước Hưng 1, thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao, với mức chiết khấu thấp hiện nay thì cửa hàng bán không có lợi nhuận. Lúc trước, chiết khấu cao, từ 700-1.000 đồng/lít thì có lợi nhuận. Nếu chiết khấu dao động từ 500-700 đồng/lít, cửa hàng sẽ huề vốn. Còn hiện nay, chiết khấu gần như bằng 0 thì không thể có lợi nhuận.
NGUỒN CUNG VẪN HẠN CHẾ
Ngoài thực trạng càng bán càng lỗ, hiện nhiều đại lý bán lẻ xăng, dầu gặp khó vì nguồn cung khan hiếm.
Anh Trần Thanh Dũng - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Phương, khu phố 7, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng cho biết, mỗi lần anh chỉ lấy được 1.000-2.000 lít xăng nên chỉ bán trong buổi sáng là hết. Bán hết lại đóng cửa tiếp.
Đối với những trường hợp người đi đường là người già, phụ huynh chở trẻ nhỏ đi học, anh Dũng dùng cây bơm xăng tay vét bồn để chia cho người dân sử dụng tạm lúc cấp thiết.
Ông T.V.T - chủ một cây xăng tại xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng nói: “Hiện công ty cung cấp xăng, dầu yêu cầu đại lý muốn nhập xăng thì phải nhập lượng dầu tương đương mới chịu cung cấp. Ví dụ, tôi muốn nhập 1.000 lít xăng thì phải nhập luôn 1.000 lít dầu, mặc dù nhu cầu chưa đến mức đó”.
Một cây xăng trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Rạch Giá treo bảng “hết xăng”, chiều 2-11. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Ghi nhận tại địa bàn TP. Rạch Giá, chiều 2-11, bên cạnh số đông cây xăng đã hoạt động trở lại bình thường, đổ không giới hạn, vẫn còn một vài cây xăng treo bảng hết xăng.
Những ngày qua, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn huyện U Minh Thượng tiếp tục hoạt động cầm chừng hoặc có khi đóng cửa, với lý do thiếu nguồn cung. Theo phòng Kinh tế huyện U Minh Thượng, trong ngày 2-11 có đến 16/22 cửa hàng họat động cầm chừng do hết xăng hoặc hết dầu.
Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng đóng cửa vào chiều 2-11. Ảnh: TRÚC LINH
Đồng chí Dương Quốc Khởi - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết qua nắm tình hình các doanh nghiệp đầu mối tuy có phân phối cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn huyện nhưng số lượng vẫn còn hạn chế, từ 1-3m3 cho mỗi lần cấp. Việc phân phối xăng, dầu thiếu kịp thời, khoảng 5-7 ngày mới giao một lần.
“Qua nắm thông tin được biết hiện nay các nguồn cung ứng từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại Lê Hùng Ny, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lý Tấn Tài và Xí nghiệp kinh doanh xăng dầu An Bình không có đủ xăng để phân phối cho cửa hàng bán lẻ nên không hứa ngày giao hàng cho các cây xăng trong hệ thống phân phối trên địa bàn huyện”, đồng chí Dương Quốc Khởi nói.
THANH NHÃ - TRÚC LINH - ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: