06/06/2023 15:28
TIẾP VỐN KỊP THỜI
Hai lần được vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Kiên Giang với tổng số tiền 700 triệu đồng, các thành viên Hợp tác xã nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có điều kiện đầu tư cho vườn măng cụt nhằm tăng năng suất, chất lượng măng cụt thương phẩm.
Hợp tác xã đang trong quá trình xây dựng thương hiệu cho măng cụt Cái Bé nên hầu hết đều bón phân hữu cơ vi sinh, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật để giữ cho trái măng cụt “sạch”.
Thành viên Hợp tác xã nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch măng cụt trong niềm vui trúng mùa, được giá.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông dân làm vườn ấp Chín Ghì cho biết: “Nhờ được nguồn vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, 21ha măng cụt, sầu riêng của hợp tác xã được đầu tư chăm sóc tốt hơn như sên, vét ao bồi cho mặt liếp, gia cố bờ bao kiên cố để không bị ngập nước mùa nước nổi. Vụ này măng cụt nhà nào cũng trúng mùa. Riêng gia đình tôi ước cả vườn thu sản lượng hơn 10 tấn, trừ chi phí, ước lãi hơn 300 triệu đồng”.
Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cấp hội thu hồi 1,54 tỷ đồng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp với 9 dự án đến hạn, giải ngân 1,2 tỷ đồng cho 4 dự án. Song song với công tác giải ngân, tổng kết dự án sử dụng đồng vốn quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội còn hướng dẫn xây dựng 3 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 1 chi hội nghề nghiệp, 5 tổ hội nghề nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh cho biết: “Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, xây dựng mô hình hợp tác sản xuất trong hội viên, nông dân”.
NÂNG CHẤT HỢP TÁC XÃ
Kiên Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với việc cung cấp cho thị trường hơn 4,4 triệu tấn lương thực, hơn 800.000 tấn thủy sản/năm. Tỉnh có 433 hợp tác xã, hơn 27.000ha sản xuất lúa đạt chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang được cấp 113 mã vùng trồng với tổng diện tích hơn 5.695ha lúa phục vụ xuất khẩu. Đây chính là một trong những yếu tố thuận lợi để tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã.
Hiện tỉnh Kiên Giang giới thiệu được 358 hợp tác xã với hơn 75.000ha diện tích sản xuất của các hợp tác xã được liên doanh, liên kết với doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Tân Long... Bên cạnh đó, có hơn 1.200 hộ sản xuất được hỗ trợ vay vốn mua máy móc, thiết bị với số tiền 733 tỷ đồng.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023.
Tỉnh Kiên Giang có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý hợp tác xã, trong đó chú trọng đào tạo các kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản trị sản xuất, quản trị nhân lực, vận hành hoạt động hợp tác xã. Trung bình có 99 lớp đào tạo/năm với hơn 4.600 thành viên hợp tác xã được tập huấn, đào tạo.
Riêng giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch dành kinh phí 9,6 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực hợp tác xã, phấn đấu cán bộ quản lý các hợp tác xã có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho biết thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” đến năm 2030.
Các huyện quản lý chặt chẽ quy hoạch đất trồng lúa đã được phê duyệt, chủ động giới thiệu, quảng bá vùng chuyên canh được xác định cho doanh nghiệp.
Các hợp tác xã cần kiện toàn bộ máy hoạt động và tổ chức lại sản xuất với quy mô lớn gắn liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động thành viên tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ và chia sẻ rủi ro khi thị trường giá lúa, gạo biến động; xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh đa dịch vụ.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: