08/07/2024 14:22
MỖI LẦN RÀ SOÁT LẠI PHÁT SINH THÊM
UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê, báo cáo số lượng tàu cá trên địa bàn huyện, thành phố. Tuy nhiên, sau mỗi lần rà soát, thống kê, số tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm lại phát sinh thêm tại các địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh còn 2.708 tàu cá thuộc diện tàu “3 không”. Việc tồn tại số lượng lớn tàu cá “3 không” đang là hạn chế rất lớn đối với Kiên Giang trong việc quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, cũng như ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện các khuyến nghị của đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, việc phát sinh các tàu “3 không” có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người dân rời địa phương đi làm ăn xa, khai thác hải sản ngoài tỉnh trong thời gian dài nên về khai báo không kịp thời; việc mua bán, tặng cho mà không sang tên đổi chủ giữa ngư dân trong xã, phường, thị trấn hoặc giữa ngư dân huyện, thành phố này với huyện, thành phố khác trong tỉnh.
Cũng có nhiều trường hợp người dân, trong đó một số cơ sở đóng tàu, cải hoán không có giấy phép kinh doanh, không có đủ điều kiện hoạt động lén lút đóng mới, mua tàu từ ngoài tỉnh về cải hoán để trực tiếp đi đánh bắt hoặc bán lại cho người khác.
Nhiều tàu cá “3 không” neo đậu tại cống Vạn Thanh, xã Thổ Sơn (Hòn Đất).
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, để chấn chỉnh vấn đề này, sở tham mưu UBND tỉnh có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố cam kết kiểm soát tàu cá “3 không”, đăng ký chặt chẽ, không để tàu cá “3 không” phát sinh trên địa bàn; đồng thời rà soát, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn các huyện, thành phố phải chấp hành các quy định, không được đóng mới, cải hoán tàu cá khi chưa có văn bản chấp thuận và hướng dẫn cơ sở lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định.
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch đăng kiểm, đánh dấu, viết số, đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT, ngày 6-6-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
Tàu cá “3 không” được cho đăng ký là những tàu cá nằm trong danh sách 2.708 tàu đã được rà soát, thống kê, UBND tỉnh đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhóm thứ 2 là tàu cá đang hoạt động mà không đủ thành phần hồ sơ như tàu cá có giấy chứng nhận đăng ký nhưng đã cải hoán, mua bán, cho tặng mà chưa có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Danh sách tàu cá phải được UBND huyện, thành phố thẩm định, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ để đăng ký tàu cá đến hết ngày 31-12-2024.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn để đưa các tàu cá “3 không” vào quản lý để chấm dứt tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới, mua bán, tặng cho trên địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện, thành phố nếu để phát sinh tàu cá hoạt động không có đăng ký, giấy phép.
Chi cục Kiểm ngư cùng cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tàu cá hoạt động khai thác mà không có đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra chặt chẽ, cương quyết không cho tàu cá không đủ điều kiện xuất bến đi khai thác thủy sản.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: