11/01/2024 10:45
Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch tôm công nghiệp.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn đứng thứ hai trên toàn quốc. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 136.241ha; trong đó, diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp khoảng 4.341ha, đứng thứ bảy trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp phát triển chủ yếu ở các huyện vùng tứ giác Long Xuyên và một số huyện vùng U Minh Thượng.
Thời gian qua, mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao, nhiều quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân áp dụng như mô hình nuôi tôm hai, ba giai đoạn ít thay nước hoặc tuần hoàn nước, có giải pháp xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng chip điện tử để theo dõi và kiểm soát các yếu tố môi trường.
Sử dụng máy cho ăn tự động, áp dụng công nghệ Biofloc, công nghệ sinh học lọc tuần hoàn (Ras),... trong các mô hình nuôi đạt suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mật độ nuôi từ 250-300 con/m2, nhiều hộ nuôi cho năng suất đạt tới 40-50 tấn/ha, năng suất bình quân nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp trong tỉnh dao động từ 9-10 tấn/ha.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp đã giúp nhiều hộ nông dân từ nghèo khó trở nên khấm khá khi trúng vài vụ tôm. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro và thách thức.
Nông dân huyện Hòn Đất thả tôm giống cho vụ nuôi năm 2024.
Ông Hứa Hoàng Vũ, hộ nuôi tôm tại xã Bình Trị, huyện Kiên Lương cho rằng: “Một trong những bất cập hiện nay là quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ, hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn vùng nuôi không có kênh cấp, kênh thoát nước riêng biệt. Khi một hộ xảy ra dịch bệnh dễ làm lây lan dịch bệnh. Chi phí đầu tư một ao tôm công nghiệp hàng trăm triệu đồng, nếu xảy ra dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế rất lớn”.
Ông Trần Minh Tâm, hộ nuôi tôm tại xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên nhận định, những năm gần đây, nghề nuôi tôm công nghiệp ngày càng khó khăn, ngoài những nguyên nhân khách quan về điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất, con giống tôm kém chất lượng, dẫn đến kết quả nuôi không đạt hiệu quả cao.
"Để hạn chế rủi ro, việc đầu tiên tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề tôm giống nhập tỉnh, do hiện nay tỉnh ta chỉ mới chủ động được 30% lượng giống tôm cho nhu cầu thả nuôi của người dân. Con giống là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quy trình nuôi tôm công nghiệp, con giống kém chất lượng là nguyên nhân thất bại của vụ nuôi”, ông Trần Minh Tâm cho biết
Nông dân xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên thăm nhá tôm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao, để mang lại lợi nhuận cho người dân phát triển bền vững nghề nuôi tôm công nghiệp, Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, nghiên cứu kỹ các chính sách, tạo điều kiện để hộ nuôi, doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tôm công nghiệp; phát triển mạnh mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác (GlobalGAP, BAP, ASC,…) theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vùng nuôi tôm nước lợ.
Từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nuôi đặc trưng từng vùng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Hoàn chỉnh hệ thống cống điều tiết nước chủ động ở các vùng tập trung để phục vụ sản xuất, nhất là phục vụ các mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa...
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: