12/12/2022 16:11
Bà Huỳnh Thị Kỷ kể, năm 2018 bà có triệu chứng đau đầu, ngất xỉu. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bà mắc bệnh Alzheimer, những cơn đau đầu có thể khiến đứt mạch máu não bất cứ lúc nào.
Sau 3 năm điều trị khỏi bệnh với chi phí gần 570 triệu đồng, gia đình bà lâm vào cảnh nợ nần. Cảm thấy bản thân vô dụng nên bà nhiều lần nghĩ quẩn, mất ngủ. “Lúc đó tôi hay uống trà tim sen để dễ ngủ. Sau này biết sen được sử dụng làm thuốc tốt nên tôi trồng thử”, bà Kỷ chia sẻ.
Năm đầu tiên bà Kỷ trồng thử nghiệm sen trên diện tích nhỏ nên lượng hoa không nhiều. Nhận thấy cây sen mang lại giá trị kinh tế cao, có thể khai thác tất cả thành phần của sen như lá, đài, ngó, củ, hạt nên bà thuyết phục chồng mở rộng diện tích trồng sen.
“Thời gian đầu trồng sen ai cũng bảo tôi điên nhưng tôi mặc kệ. Vì ngoài trồng sen để làm kinh tế, mỗi khi căng thẳng, đau đầu, tôi hay bảo chồng chở ra đầm sen chụp ảnh cho thoải mái tâm trí. Sen với tôi giống như liều thuốc tinh thần”, bà Kỷ tâm sự.
Hiện gia đình bà Kỷ có trên 1ha trồng sen, chủ yếu lấy hoa và hạt. Hết vụ thu hoa và hạt, bà bán ngó sen và các bộ phận khác như đài, lá sen cho các tiểu thương, người dân. Trung bình mỗi tháng gia đình bà thu nhập 5-7 triệu đồng, cao hơn trồng chuối.
Ngoài thu nhập từ sen, bà Kỷ còn tận dụng thả thêm cá và ốc bươu trong đầm sen để làm nguồn thức ăn hàng ngày cho gia đình.
Bà Huỳnh Thị Kỷ bên đầm sen của gia đình tại ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Những lần sen vào vụ nhưng bán không chạy, hạt sen tồn lại, bà Kỷ tìm tòi và tự phát triển các sản phẩm khác như làm trà tim sen, hạt sen sấy muối ớt, hạt sen rang cát, sữa hạt sen để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ về những ý tưởng sản phẩm mới, bà Kỷ nói: “Tính tôi không thích làm những ý tưởng cũ, tôi muốn làm mới để tìm niềm vui trong công việc cũng như thách thức bản thân. Những sản phẩm mới, cách biến tấu mới về sen giúp sản phẩm của tôi tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.
Một trong những sản phẩm ấn tượng của bà Kỷ là hạt sen sấy muối ớt. Với ý tưởng muốn làm ra một món hạt dinh dưỡng, bà đem hạt sen rang lên, kết hợp với muối ớt. Qua nhiều lần thử nghiệm và thành công, sản phẩm hạt sen sấy muối ớt của bà được mọi người yêu thích vì hợp khẩu vị, số lượng làm ra mỗi tháng không đủ bán.
Năm nay dù gần 60 tuổi, sức khỏe mới hồi phục sau bệnh nhưng bà Kỷ vẫn hăng say lao động, không để thời gian rảnh rỗi. Bà bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 22 giờ. “Chỉ có bận rộn với công việc yêu thích mới giúp tôi vui sống, nhờ vậy sức khỏe, tinh thần ngày càng nâng cao”, bà Kỷ nói.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Thuận Đào Thị Tú cho biết, nhận thấy sen mang lại giá trị kinh tế cao, mô hình tiềm năng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra để bà Kỷ vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, khích lệ tinh thần vượt qua bệnh tật, vươn lên khởi nghiệp của bà.
Với nỗ lực không ngừng, bà Kỷ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang biểu dương gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu xuất sắc năm 2022. Đây là những quả ngọt trên hành trình vươn lên sau bạo bệnh, truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ ở xã Minh Thuận nói riêng và huyện U Minh Thượng nói chung.
Bài và ảnh: THỦY THỊ
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: