21/11/2023 08:55
Cơ sở sản xuất rượu nho rừng của chị Liên có không gian trưng bày bắt mắt với hàng trăm chai rượu nho rừng và một số sản phẩm đặc sản địa phương. Dù mới ra mắt thị trường chưa lâu nhưng rượu nho rừng Kim Liên được nhiều người tin dùng, sử dụng. Sản phẩm rượu nho rừng Kim Liên được ủ kín và lên men tự nhiên bằng quy trình thủ công.
Chị Liên cho biết: “Nho hái về được lựa, rửa sạch, để ráo, xếp vào lu, kiệu ngâm đường phèn, đậy kín ủ thành mật nho, ủ từ 8-10 tháng có thể dùng được. Việc làm rượu nho rừng không khó nhưng muốn làm rượu ngon phải có bí quyết riêng, trong đó khâu ủ nho quan trọng, ủ càng lâu rượu càng ngon. Mật nho rừng được pha với rượu nếp theo tỷ lệ phù hợp để trở thành sản phẩm rượu nho rừng có hương vị nồng, hậu ngọt, dễ uống”.
Chị Trần Kim Liên trồng thử nghiệm nho rừng làm nguyên liệu sản xuất rượu.
Với những thành công bước đầu, rượu nho rừng của chị Kim Liên là mô hình truyền cảm hứng cho phụ nữ địa phương trên con đường khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh.
Chị Liên cho biết nho rừng là loại trái đặc trưng trên địa bàn xã Bình Trị và Bình An . Mặc dù là loại trái quen thuộc nhưng ít ai nghĩ đến việc sử dụng nguyên liệu này làm rượu.
"Vốn có nghề truyền thống nấu rượu gạo từ gia đình, tôi thấy đây là sản phẩm tiềm năng có thể sản xuất thành rượu thương mại, kinh doanh. Tôi tìm hiểu quy trình sản xuất rượu nho từ những chuyến đi nước ngoài, sản xuất rượu sim ở TP. Phú Quốc. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, rút kinh nghiệm, tôi bắt đầu cho ra thị trường sản phẩm rượu nho rừng”, chị Liên chia sẻ.
Rượu nho rừng ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nho rừng chỉ cho trái khoảng 4 tháng cuối năm nên chị Liên nảy ra ý tưởng trồng loại cây này, đồng thời liên kết với người dân địa phương để có nguồn nguyên liệu sản xuất rượu ổn định.
Chị Trần Kim Liên - chủ cơ sở sản xuất rượu nho rừng, xã Bình An, huyện Kiên Lương vừa khai trương nhà trưng bày rượu nho rừng và một số sản phẩm khác.
Năm 2023, rượu nho rừng Kim Liên được huyện Kiên Lương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và được chọn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, góp phần giúp địa phương có sản phẩm đặc trưng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiên Lương Nguyễn Thị Mỹ Nhung cho biết để mô hình khởi nghiệp rượu nho rừng của chị Liên vươn xa, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất tham gia nhiều chương trình khởi sự, khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
"Tới đây, hội sẽ tiếp tục thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại tại nhiều sự kiện được tổ chức trong và ngoài tỉnh, đồng thời cố gắng tạo mọi điều kiện cho các chị thực hiện mô hình đúng theo quy trình sản xuất, kinh doanh để cải thiện đời sống kinh tế”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiên Lương Nguyễn Thị Mỹ Nhung nói.
Hiện nhu cầu tiêu dùng rượu nho rừng tăng cao, để giữ vững chất lượng sản phẩm và hướng đến sản xuất số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài giải pháp mở rộng liên kết sẵn sàng nguồn nguyên liệu, thời gian tới cơ sở sản xuất rượu Kim Liên dự kiến đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị tiên tiến để gia tăng công suất, đưa thương hiệu rượu nho rừng vùng đất Bình An ngày càng vươn xa.
Bài và ảnh: HUỲNH NGÔN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: