02/01/2024 09:42
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô, Khoa Cơ khí động lực Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang (nay là Trường Cao đẳng Kiên Giang), anh Kỷ được trường giới thiệu đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Đến năm 2022, anh Kỷ trở về quê nhà khởi nghiệp, lập nghiệp.
Anh Kỷ chia sẻ: “Sinh viên mới ra trường được giới thiệu làm việc ở nước ngoài với mức lương hấp dẫn là mơ ước của tôi và nhiều sinh viên lúc bấy giờ. Tôi đặt mục tiêu làm việc ở nước ngoài một thời gian, kiếm vốn rồi về quê lập nghiệp. Sau đợt dịch bệnh COVID-19, tôi quyết định trở về quê hương”.
Anh Nguyễn Tấn Kỷ (bìa trái) chia sẻ về cách vận hành máy xay vỏ dừa do anh sáng chế.
Thời gian đầu về quê, chưa có việc làm anh Kỷ tham gia công tác Đoàn, Hội ở địa phương. Từ môi trường này, anh Kỷ biết đến phong trào sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên và nắm nhu cầu sử dụng mùn cưa, mùn dừa bón cây kiểng trên địa bàn. Thấy vỏ dừa tươi bị vứt xuống sông hoặc chất đống ở những quán cà phê trên địa bàn, anh Kỷ nảy ra ý tưởng làm mùn dừa từ nguồn nguyên liệu 0 đồng này và mong muốn góp phần bảo vệ môi trường.
Nghĩ là làm, với kiến thức về cơ khí, máy móc được học và thực tế trải nghiệm làm việc trong những năm qua, anh Kỷ cùng người bạn mày mò chế tạo máy xay vỏ dừa dựa trên nguyên lý hoạt động của máy suốt lúa. Máy vận hành bằng mô tơ quay kéo trục được gắn với nhiều lưỡi dao bên trong để băm dừa. Mùn dừa được băm nhỏ rơi xuống sàn, còn xơ dừa theo chu kỳ đánh văng ra ngoài như cách hạt lúa được tuốt ra rơi xuống sàn và rơm được đánh ra ngoài guồng máy.
Do là máy tự chế nên anh Kỷ phải thiết kế, mua sắt về cắt hàn và mô tơ về lắp ráp. Qua nhiều lần cải tiến, anh Kỷ có máy xay vỏ dừa hoạt động ổn định với chi phí khoảng 50 triệu đồng.
Anh Nguyễn Tấn Kỷ thu mẻ mùn dừa vừa xay chuẩn bị giao cho khách sỉ.
Khi có máy xay vỏ dừa, anh Kỷ đến các quán nước trên địa bàn xin vỏ dừa tươi về ủ tự nhiên trong sân nhà. Tùy thời tiết mà vỏ dừa tươi phân hủy nhanh hay chậm, từ 7-10 ngày. Dừa sau khi ủ mục loại bỏ chất chát và được phơi rám lại với độ ẩm vừa phải sẽ được đưa vào máy xay.
Chi phí sản xuất mùn dừa không cao, chỉ tốn tiền điện vận hành máy và tiền thuê nhân công đi thu, chở vỏ dừa (không tốn tiền mua nguyên liệu). Mỗi bao mùn dừa, anh Kỷ bán sỉ giá 25.000 đồng, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng anh Kỷ lời hơn 20 triệu đồng. Với sợi xơ dừa, anh Kỷ bán giá rẻ cho các nhà vườn đắp các gốc cây.
Do mùn dừa của anh Kỷ sản xuất kỹ và ít xơ nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Mỗi ngày, anh Kỷ bán sỉ từ 50-100 bao mùn dừa và cung không đủ cầu. Anh Kỷ cho biết: “Nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng tôi không có thời gian chở về. Tôi và nhân công chở dừa bằng xe gắn máy, mất thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó tôi chỉ có một máy xay dừa nên cũng khó đáp ứng nhu cầu khách hàng lấy sỉ, nhất là dịp tết đến, nhu cầu chăm sóc hoa kiểng cao. Nếu được hỗ trợ vay vốn, tôi mua xe tải nhỏ để vận chuyển nguyên liệu và phân phối sản phẩm”.
Với tinh thần khởi nghiệp và đam mê sáng tạo, anh Kỷ còn ấp ủ chế tạo máy nén mùn dừa thành dạng viên, dạng khối để đưa sản phẩm vào siêu thị và các sàn giao dịch thương mại điện tử, mở rộng thị trường. Đồng thời, anh Kỷ muốn nghiên cứu, chế tạo máy xử lý sợi xơ dừa sạch và sấy khô, cung cấp nguồn nguyên liệu cho một số cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ từ sợi xơ dừa.
Bí thư Xã đoàn Giục Tượng Lê Nghị Diện cho biết: “Anh Kỷ là thanh niên tiêu biểu với tinh thần đam mê sáng tạo, khởi nghiệp. Với mô hình sản xuất mùn dừa, anh Kỷ tận dụng được nguồn nguyên liệu vỏ dừa bỏ đi để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trồng hoa kiểng tại địa phương, từ đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường. Vừa qua, Xã đoàn hỗ trợ anh Kỷ vay vốn 100 triệu đồng để phát triển mô hình. Thời gian tới, Xã đoàn tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình, tạo điều kiện cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế”.
Bài và ảnh: HUỲNH ANH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: