16/05/2023 10:43
Nhiều năm làm việc, học nghề tại xưởng làm tàu hũ ky tại TP. Hồ Chí Minh, anh Ngô Thanh Liêm quyết định về quê lập nghiệp. Năm 2011, anh Liêm xây dựng lò tàu hũ ky tại nhà bằng số tiền tích góp nhiều năm làm việc.
Nói về ý tưởng khởi nghiệp nghề làm tàu hũ ky, anh Liêm chia sẻ: “Tàu hũ ky là nguyên liệu phổ biến để làm ra những món ăn chay ngon, thấy ở quê chưa có lò tàu hũ ky nên tôi muốn làm những sản phẩm chay để phục vụ người dân”.
Anh Liêm bỏ ra 300 triệu đồng để xây dựng cơ sở, mua dụng cụ, nguyên liệu sản xuất. Ban đầu, lò tàu hũ ky của anh Liêm có 20 chảo, làm thủ công là chủ yếu, nấu trên bếp lửa củi, mất nhiều thời gian và công sức.
Anh Từ Thiện Phước vớt váng đậu phơi làm tàu hũ ky lá khô.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, anh Liêm làm sản phẩm tàu hũ ky đa dạng gồm tàu hũ ky tươi, tàu hũ ky lá khô, tàu hũ ky chiên và ốc đậu... Anh ưu tiên chất lượng sản phẩm, sử dụng nguyên liệu chất lượng, không sử dụng phụ gia, sản xuất đảm bảo vệ sinh. Sau gần 2 năm tìm đầu ra cho sản phẩm, tàu hũ ky của anh Liêm được khách hàng đón nhận, từng bước tạo thương hiệu.
Quy trình sản xuất thủ công không đáp ứng đủ số lượng tàu hũ ky khách hàng đặt mua, anh Liêm dành nhiều thời gian tìm hiểu trên mạng, đến các lò để học. Anh Liêm cho biết: “Năm 2019, tôi vay vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị hỗ trợ làm tàu hũ ky, mở rộng quy mô sản xuất. Tôi mua 40 chảo nồi hơi bằng inox, mua lò hơi để làm tàu hũ ky. Nhờ áp dụng thiết bị khoa học, kỹ thuật làm tàu hũ ky, tôi ít mất thời gian và công sức, tăng số lượng hơn trước”.
Năm 2021, bộ sản phẩm tàu hũ ky của anh Liêm được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và cấp tỉnh.
Anh Ngô Thanh Liêm phơi tàu hũ ky khô trước sân nhà.
Mỗi ngày, anh Liêm cung cấp cho các chợ, cửa hàng tạp hóa, quán ăn chay... từ 40-100kg tàu hũ ky với giá bán 120.000 đồng/kg tàu hũ ky lá khô, 60.000 đồng/kg tàu hũ ky tươi, trừ chi phí anh Liêm lãi 30 triệu đồng/tháng.
Dịp rằm tháng 7, Tết Nguyên đán lò tàu hũ ky của anh Liêm hoạt động liên tục ngày đêm vẫn không đủ sản phẩm bán cho khách. Những sản phẩm tàu hũ ky từ lò của anh Liêm được nhiều khách hàng ưa chuộng có mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình, hàng quán trong và ngoài tỉnh.
Tôi ghé thăm lò tàu hũ ky nhà anh Liêm, vừa bước vào mùi sữa đậu nành đang nấu trên chảo bốc lên thơm nức. Tận mắt thấy anh Liêm vớt váng đậu, tôi mới thấy nghề làm tàu hũ ky đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn và kinh nghiệm. Để thưởng thức miếng tàu hũ ky thơm béo, dẻo mềm phải trải qua nhiều công đoạn như chọn đậu nành, ngâm tách vỏ, xay đậu, tách nước đậu, nấu sữa đậu, vớt váng đậu, hong gió...
“Khâu canh nhiệt độ lò, canh thời gian vớt váng đậu là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, kiên nhẫn, khéo tay. Nếu nhiệt độ quá nóng sữa đậu bị dính vào chảo, vớt váng đậu không khéo bị rách. Nấu sữa đậu nành tầm 20-30 phút, lớp váng đậu mỏng hình thành trên bề mặt chảo, từ màu trắng dần chuyển sang vàng nhạt, người thợ dùng dao cắt đôi lớp váng đậu, sau đó để thêm vài phút rồi vớt lên sào phơi”, anh Liêm nói.
Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, lò tàu hũ ky của anh Liêm tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương. Anh Từ Thiện Phước, ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Minh Hòa có hơn 1 năm làm việc tại lò tàu hũ ky của anh Liêm cho biết: “Làm việc tại lò tàu hũ ky của anh Liêm tôi được trả từ 400.000-500.000 đồng/ngày, thu nhập ổn định giúp tôi chăm lo được cho gia đình”.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: