21/01/2023 10:17
U Minh Thượng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với địa thế đất rừng và kênh mương bao phủ, nguồn thủy sản dồi dào; trong đó có cá sặc rằn với thịt cá vị đậm, nhiều mỡ ăn beo béo khi làm khô ăn ngon hơn nhiều nơi khác. Vì thế, loại khô này được nhiều người biết đến, ưa chuộng, tìm mua để thưởng thức.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng Phạm Duy Tân cho biết: “Nghề làm khô cá sặc rằn của huyện được các gia đình truyền lại theo hình thức cha truyền con nối, đến thời điểm hiện tại đã hình thành và phát triển được hơn 50 năm. Khô cá sặc rằn U Minh Thượng chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2011. UBND tỉnh Kiên Giang công nhận nghề làm khô cá sặc rằn là nghề truyền thống vào năm 2022”.
Khô cá sặc rằn muốn thơm ngon phải phơi dưới nắng đẹp và đủ nắng.
Hàng chục năm qua, nhiều nông dân ở huyện U Minh Thượng, nhất là nông dân trong vùng đệm đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có để nuôi cá sặc sằn theo hình thức quảng canh và làm ra sản phẩm cá khô để thoát nghèo. Nhãn hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng đã có mặt khắp nơi trong cả nước, tạo được niềm tin cho nhiều khách hàng, trở thành đặc sản trong mâm cơm gia đình, quà biếu trong các dịp lễ, tết.
Theo một số người làm khô cá sặc rằn ở huyện U Minh Thượng, tất cả quy trình làm khô cá sặc rằn được làm thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng luôn được đảm bảo. Cá tươi được người dân làm sạch, rửa sạch, để ráo nước, ướp gia vị muối cho thấm, sau đó đem phơi nắng thật khô.
Thông thường với những ngày nắng đều chỉ cần phơi khô tầm 2 ngày. Trong lúc phơi, cần đảo cá liên tục để hai mặt cá đều có thể tiếp xúc nắng, bao màn để tránh ruồi, bọ bám. Khi cá khô, phân theo kích cỡ khác nhau, có thể đóng gói nylon sau đó hút chân không hoặc gói giấy đều bảo quản được lâu. Tương ứng với từng kích cỡ con khô sẽ mức giá khác nhau. Hiện nay, giá bán khô cá sặc rằn dao động từ 250.000-450.000 đồng tùy theo loại khô nhất, nhì, ba.
Hộ anh Nguyễn Đức Quốc (42 tuổi), ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng là địa chỉ sản xuất khô cá sặc rằn nhiều nhất, nhì trong huyện. Mỗi năm, gia đình anh cho ra thị trường hơn 1 tấn cá khô thành phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Anh Quốc bật mí: “Để làm nên con khô cá sặc rằn ngon, đầu tiên nguồn nguyên liệu cá làm khô phải là cá tươi sống được đánh bắt tự nhiên hoặc được các hộ dân nuôi trong mương theo hình thức quảng canh. Kế đến nữa là phải có kỹ thuật làm khô, ướp muối vừa đủ, không bỏ thêm bất cứ gia vị nào và con khô phải được phơi dưới nắng đẹp, đủ nắng”.
Anh Nguyễn Đức Quốc, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng giới thiệu những con khô cá sặc rằn loại nhất có kích cỡ to gần bằng bàn tay một người đàn ông.
Hơn 1 tháng nay, anh Quốc đã thu mua trên 200kg cá sặc rằn để làm khô. Hai năm vừa qua do dịch COVID-19 nên đầu ra khô cá sặc rằn giảm. Năm nay, anh dự đoán sức mua khô cá sặc rằn tăng. Tuy nhiên, điều anh Quốc lo nhất là hiện nay trên thị trường có nhiều người bán khô cá sặc rằn không rõ nguồn gốc tự xưng là khô cá sặc rằn U Minh Thượng, bán giả rẻ hơn 100.000-200.000 đồng/kg, nhưng khô thịt bủn, mặn, ăn không ngon.
“Tôi lo ngại tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng thương hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng. Vì vậy, mong ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu bảo vệ thương hiệu khô cá sặc rằn U Minh Thượng cũng như hỗ trợ để người dân quảng bá thương hiệu, mở rộng đầu ra sản phẩm”, anh Nguyễn Đức Quốc nói.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: