25/02/2022 15:19
Trong một lần tình cờ lên Youtube, chị Loan thấy mô hình nuôi ruồi lính đen có hiệu quả, nhất là ruồi có độ đạm cao có thể sử dụng làm thức ăn cho tôm nuôi của gia đình nên chị quyết định tìm hiểu kỹ hơn và đầu tư nuôi thử nghiệm. Qua tìm hiểu và được chủ một trang trại nuôi ruồi lính đen ở tỉnh Đồng Nai xuống tận nhà để hướng dẫn, bước đầu chị Loan đã nuôi thành công, tạo nguồn thức ăn cho tôm nuôi.
Theo chị Loan, nuôi ruồi lính đen không cần nhiều kỹ thuật và chi phí ban đầu không cao nên phù hợp với điều kiện của đại đa số nông dân. Để nuôi ruồi lính đen, ban đầu chị mua trứng giống từ cơ sở của người quen có uy tín với giá 3 triệu đồng/100 gram và học hỏi một số kỹ thuật nuôi cơ bản. Sau đó, chị làm chuồng nuôi được bao phủ bằng lưới để ruồi không thoát ra ngoài, rồi tiến hành ấp trứng để tạo ra ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và nở thành ruồi. Với vòng đời kéo dài khoảng 45 ngày, trong quá trình sinh trưởng giai đoạn ấu trùng được xác định là quan trọng để mang lại hiệu quả kinh tế, vì giai đoạn này ấu trùng có thành phần dinh dưỡng cao phù hợp để làm thức ăn cho tôm, gà, vịt...
Chị Loan cho biết nuôi ruồi lính đen không gây ô nhiễm môi trường mà ngược lại còn có tác dụng nhất định vì thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng, có thể tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp như xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây hư... Vùng đất Vĩnh Phước A có nhiều khóm, chị tận dụng khóm hư của gia đình hoặc các phế phẩm khác như các loại rau, củ, quả bị hư, thức ăn thừa... để làm thức ăn cho ruồi.
Theo chị Loan, phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ có ưu điểm là không gây ra mùi hôi, giảm thiểu đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải hữu cơ. Hầu hết sản phẩm từ ruồi lính đen đều có thể tận dụng để phục vụ chăn nuôi. Giai đoạn ấu trùng được sử dụng làm thức ăn cho tôm, gia súc, gia cầm; giai đoạn sau kén được dùng để ủ làm phân bón; giai đoạn sau sinh sản xác ruồi được dùng làm thức ăn cho gà, vịt; trứng ruồi lính đen bán cho người nuôi. Tuy nhiên hiện chủ yếu chị Loan lấy ấu trùng để làm thức ăn cho tôm và vịt.
Chị Nguyễn Thị Loan (bên phải) trao đổi với đồng chí Lê Chí Luân - Trưởng ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A (Gò Quao) về mô hình nuôi ruồi lính đen của gia đình.
Theo nghiên cứu trong ấu trùng ruồi lính đen có hàm lượng chất béo, chất khoáng khá cao, thích hợp cho việc làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, tôm. Độ đạm trong ấu trùng tươi chiếm từ 20-22%, có hệ vi sinh vật cộng sinh trong đường tiêu hóa và hàm lượng canxi cao thuận lợi làm thức ăn cho động vật. Từ những ưu điểm này, chị Loan sử dụng ấu trùng làm thức ăn cho tôm giúp tiết kiệm 40-50% chi phí mua thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi của gia đình.
Chị Loan chia sẻ: “Sau 3 năm thực hiện mô hình nuôi ruồi lính đen, gia đình tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí mua thức ăn cho tôm. Với mô hình này ngoài việc bảo vệ môi trường, xử lý được nguồn rác thải, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Thời gian tới, tôi dự định đầu tư máy xay ruồi và ủ để tạo ra thức ăn có lượng đạm cao dùng trộn vào các loại thức ăn khác cho từng loại vật nuôi như tôm, vịt xiêm, gà, cá....”.
Đồng chí Lê Chí Luân - Trưởng ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A nói: “Mô hình nuôi ruồi lính đen của chị Loan có hiệu quả kinh tế vì tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn, mặt khác giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi. Thời gian tới, ban lãnh đạo ấp tuyên truyền để nhân rộng mô hình trên địa bàn”.
Với giá trị kinh tế mang lại từ mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp với chăn nuôi tôm, nếu mô hình được nhân rộng trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho một số gia đình ở khu vực nông thôn.
Bài và ảnh: NGỌC LAM
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: