04/04/2023 10:46
SÁNG TẠO, TỈ MỈ, KIÊN NHẪN
Những sản phẩm thủ công độc đáo ra đời từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và tỉ mỉ đã mang đến niềm vui cho người làm và cả người sở hữu sản phẩm.
Từ sợi chỉ len mỏng manh, nhiều màu sắc khác nhau, các chị em đã đan, móc thành nhiều món đồ xinh xắn như quần, áo, nón, bông hoa, túi xách… Để hoàn thiện một sản phẩm đòi hỏi người thực hiện phải sáng tạo, tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Từ việc đan, móc len đã giúp chị Lê Thanh Huyền - giáo viên Trường Trung học cơ sở Bình San, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) có thêm thu nhập khá dù là nghề tay trái.
Chị Huyền cho biết: “Được mẹ chỉ dạy, tôi đam mê đan, móc len khi còn học trung học cơ sở, nhưng lúc đó tôi tập trung cho việc học, thỉnh thoảng mới làm vài sản phẩm cho mình sử dụng như đồ cột tóc, túi đựng viết… Đến lúc mang thai đứa con đầu lòng và nghỉ thai sản, tôi đan, móc đồ dùng như nón, bao tay, vớ em bé để vừa thỏa đam mê vừa xả stress".
Để làm được nhiều mẫu mới và lạ, chị Huyền tự mày mò, học thêm trên mạng xã hội. Có thời gian, chị làm tặng cho người quen, bạn bè. Từ đó, nhiều sản phẩm được bạn bè yêu thích và đặt mua.
Đan, móc len thành nhiều sản phẩm giúp chị Lê Thanh Huyền - giáo viên Trường Trung học cơ sở Bình San có thêm thu nhập. Có những tháng làm nhiều, chị kiếm khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Nguyên vật liệu đơn giản, chỉ cần cuộn chỉ len và một cây móc là có thể tạo ra sản phẩm như đế lót ly, túi đựng bình nước, giày, nón em bé. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi người làm phải đam mê và kiên nhẫn. Ai vội vàng sẽ khó làm được, vì càng nóng vội càng dễ sai. Tùy vào từng mẫu sản phẩm mà kích thước sợi len và kích cỡ của mũi kim móc khác nhau.
Ban đầu chị Huyền làm những mẫu đơn giản, rồi nâng dần lên những mẫu khó hơn. Có những mẫu mới chị Huyền phải làm đi làm lại nhiều lần, sai chỗ nào sẽ tháo len ra làm lại chỗ đó.
Ngoài giờ đi dạy, khi rảnh rỗi chị Huyền đan, móc len để tăng thêm thu nhập. Có những tháng làm nhiều, sau khi trừ chi phí, chị kiếm khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Tiền công và thời gian hoàn thiện một sản phẩm tùy độ khó của từng mẫu. Đối với móc khóa, đồ cột tóc, chị Huyền bán giá từ 20.000-30.000 đồng/sản phẩm; túi để điện thoại bán từ 80.000-90.000 đồng/sản phẩm; túi đựng bình nước từ 120.000-150.000đồng/cái; túi xách từ 700.000-800.000 đồng/cái…
TỪ ĐAM MÊ ĐẾN MỞ LỚP ONLINE
Cũng đam mê đan, móc len, chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đan quần, áo bikini từ len để bán, được nhiều chị em thích và muốn học để tự tay làm. Thấy vậy, chị Tiên đã mở lớp dạy online đan, móc len cho những người có cùng đam mê.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thạnh Đông tranh thủ buổi tối để hoàn thiện sản phẩm, hướng dẫn cho lớp học online đan, móc len.
Lớp học đan, móc len được tổ chức theo hình thức học online trên Zalo. Mỗi lớp học sẽ hướng dẫn mỗi mẫu khác nhau. Chị Tiên đăng bài hướng dẫn chi tiết vào nhóm, học viên có thời gian rảnh lúc nào thì vào nhóm xem bài lúc đó, vừa xem hướng dẫn vừa thực hành. Khi gặp vấn đề khó hiểu, học viên sẽ nhắn tin để được hỗ trợ. Học phí một mẫu từ 50.000-200.000 đồng, tùy kiểu dáng mà độ khó khác nhau.
Chị Tiên chia sẻ: “Lớp học không chỉ có các chị em mà còn có nam giới muốn tự tay hoàn thiện sản phẩm thủ công đan, móc len làm quà tặng người yêu. Học viên là các bạn trẻ, các mẹ bỉm sữa, giáo viên, nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên… và có cả người Việt đang sinh sống ở nước ngoài tham gia học nữa. Những sản phẩm thủ công đặc biệt được yêu thích ở nước ngoài”.
Hiện tại, lớp học online đông học viên nhất là các lớp về mẫu sản phẩm bikini đi biển và áo dành cho mùa hè. Thời gian hoàn thành 1 chiếc áo bikini đơn giản khoảng 1 ngày, còn cả bộ khoảng 3-5 ngày tùy mẫu cầu kỳ hay đơn giản. Nghề tay trái này đã giúp chị Tiên kiếm thêm thu nhập từ 3-7 triệu đồng/tháng tùy theo mùa.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - Ngày 26-11, tại huyện Hòn Đất, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa và tọa đàm giải pháp mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng số lượt truy cập: