25/08/2022 09:15
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo.
HIỆU QUẢ TỪ CÁNH ĐỒNG LỚN
Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong bối cảnh tình hình giá lúa thường xuyên biến động, giải pháp thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp được xem là hướng đi đúng để ổn định thị trường lúa gạo, giúp nông dân có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, nông dân được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất, trình độ sản xuất ngày càng được nâng lên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã tích cực kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết tiêu thụ trong cánh đồng lớn với nông dân. Đến nay, có hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, Kiên Giang đã xây dựng được 783 cánh đồng lớn, với diện tích 61.074ha; trong đó 651 cánh đồng lớn có liên kết tiêu thụ, với diện tích 53.478ha.
Ông Lương Văn Nhâm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bào Trâm, huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết: “Trước đây, khi chưa thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cứ tới mùa vụ, mỗi người chọn một giống lúa khác nhau, bón phân, xịt thuốc không theo nguyên tắc nào. Tới cuối vụ, nông dân thấp thỏm lo lúa rớt giá, không có tiền trả nợ vật tư, phân bón. Những nỗi lo khi đó giờ đã không còn nhờ thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu với doanh nghiệp. Từ khi tham gia chương trình cánh đồng lớn liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thực hiện sản xuất lúa hữu cơ ST24 đã giúp thành viên trong hợp tác xã giải quyết được vấn đề nan giải bấy lâu nay là giá và đầu ra nông sản. Khi tham gia mô hình liên kết, nông dân được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng tới sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ”.
Nông dân xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) bán lúa hè thu 2022.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã khoai lang Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chia sẻ: “Đây là năm thứ hai hợp tác xã liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Nông dân đã thay đổi nhận thức trong liên kết làm ăn, thay đổi tập quán sản xuất, xuống giống đồng loạt, sản xuất 1-2 loại giống lúa chất lượng cao, thực hiện quy trình canh tác tiên tiến nên năng suất lúa đạt cao. Thêm vào đó, giá lúa được doanh nghiệp thu mua từ bằng hoặc cao hơn giá thị trường nên nông dân rất phấn khởi”.
NHIỀU KHÓ KHĂN KHI LIÊN KẾT SẢN XUẤT
Bên cạnh những kết quả tích cực, liên kết sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh vẫn còn thấp, chiếm 10,35% tổng diện tích gieo trồng. Việc mở rộng quy mô liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn còn hạn chế so với nhu cầu và tiềm năng phát triển sản xuất của người dân.
Nguồn lực của nhiều doanh nghiệp chưa đủ vốn để đầu tư ứng trước cho nông dân. Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, nông dân vẫn chưa thật sự tin tưởng vào doanh nghiệp nên hạn chế tham gia vào liên kết sản xuất, vẫn còn thói quen bán lúa cho thương lái.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, việc thực hiện cánh đồng lớn liên kết sản xuất đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn để xây dựng nhà máy sấy lúa, kho chứa, thanh toán tiền lúa cho nông dân ngay sau khi thu hoạch. Thời gian qua, các doanh nghiệp rất quan tâm đến liên kết sản xuất với nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu nhưng còn gặp khó về vốn và nguồn nhân lực.
Đồng chí Lê Hữu Toàn cho biết, thời gian tới, để mở rộng diện tích liên kết sản xuất, Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.
Tỉnh Kiên Giang sẽ tích cực huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng phục vụ vùng sản xuất lúa; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác tư vấn, xây dựng mã số vùng trồng đối với cây lúa để phục vụ xuất khẩu.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: