22/06/2023 14:13
Đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ngành hàng lúa gạo và thủy sản của tỉnh đang phát triển tốt, trình độ sản xuất của nông dân được nâng lên. Nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Dần thay đổi tư duy, không còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nông dân chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp”.
Để khuyến khích nông dân tham gia chuỗi liên kết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang và các địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án nâng cao năng lực hợp tác xã, hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản.
Điển hình là chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dành cho hợp tác xã; đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ 12 hợp tác xã xây dựng trụ sở làm việc, công trình giao thông nội đồng; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 11 hợp tác xã, tập huấn kỹ thuật 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm cho 53 hợp tác xã; tổ chức tập huấn nghiệp vụ bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Đại biểu tìm hiểu nông sản của hợp tác xã được trưng bày tại hội nghị xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang tổ chức năm 2022.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: “Hợp tác xã được dự án VnSAT đầu tư 8,9 tỷ đồng xây dựng 2 cống thủy lợi, 2 đường bê tông. Hợp tác xã còn được hỗ trợ hạ thế điện 3 pha phục vụ bơm tưới. Nhờ sự đầu tư đồng bộ hạ tầng, thành viên hợp tác xã sản xuất lúa hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập qua từng vụ lúa. Hiện hợp tác xã chuyển đổi sản xuất sang mô hình lúa hữu cơ kết hợp liên kết sản xuất các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho thành viên”.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Kiên Giang làm tốt vai trò cầu nối giúp doanh nghiệp và hợp tác xã xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ước tính trong năm 2023, tỉnh xây dựng 717 cánh đồng lớn với diện tích 82.585ha, trong đó có 583 cánh đồng lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích gần 63.000ha. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có khoảng 20.000ha tôm nước lợ được liên kết tiêu thụ hàng năm.
Bà Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) ký kết ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản với doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết còn thấp chỉ khoảng 35% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh. Thành viên hợp tác xã chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng cũng như tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp chưa có sự chia sẻ lợi nhuận, rủi ro với nông dân, chủ yếu liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán. Hệ thống kênh rạch nội đồng nhỏ, phương tiện vận tải lớn khó tiếp cận nơi thu hoạch lúa, doanh nghiệp phát sinh chi phí trung chuyển đến nơi tập kết cũng là một trong những khó khăn khi thực hiện chuỗi giá trị liên kết…
Đồng chí Trần Thanh Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết để thực hiện thành công chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cần làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động để thành viên thấy được lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý hợp tác xã. UBND tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện để các hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn, chính sách hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường kêu gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết…
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: