06/09/2022 13:52
NGƯỜI CHĂN NUÔI CÓ LÃI
Nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp cho biết, hơn 1 tháng qua, heo hơi được thương lái tìm mua với giá cao từ 65.000-69.000 đồng/kg, có thời điểm tăng lên 71.000 đồng/kg. Giá heo hơi tăng trở lại, người chăn nuôi heo rất phấn khởi vì lãi khá.
Theo Cục Chăn nuôi, giá heo hơi tại các vùng trên cả nước tăng khoảng 15-22% so cuối năm 2021. Giá heo hơi tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại vì các hoạt động du lịch, lễ hội, nhà hàng, quán ăn, trường học, nhà máy đã mở cửa trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Giá heo hơi tăng từ đầu tháng 7 đến nay giúp nhiều hộ chăn nuôi, trang trại trên địa bàn Kiên Giang phục hồi trở lại sau thời gian lao đao vì dịch bệnh COVID-19, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhất là thời điểm dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, trong khi giá bán heo hơi duy trì ở mức thấp.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Bình Thuận, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Đợt dịch tả heo châu Phi mấy năm trước cộng thêm chi phí sản xuất cao nên hộ dân xung quanh không còn nuôi heo mà chuyển sang chăn nuôi gà, vịt. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, môi trường chuồng trại khép kín, tôi bảo vệ được đàn heo nái nên có heo giống để lại nuôi bán thịt. Đợt này heo hơi tăng giá, trừ hết chi phí thức ăn, tôi lãi gần 2 triệu đồng/con (trọng lượng 100kg), gia đình rất phấn khởi”.
THẬN TRỌNG TÁI ĐÀN
Mặc dù giá heo hơi tăng khá mạnh những ngày qua, nhưng người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn thận trọng trong việc tái đàn do còn lo ngại rủi ro giá sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất như con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc thú y, nhất là chi phí thức ăn tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Quyết, ngụ xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chăm sóc đàn heo.
Theo ông Vũ Văn Kinh, ngụ xã Tân An, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), giá heo hơi tăng nhưng không đảm bảo tính bền vững. Đa số người chăn nuôi heo hiện nay rất dè dặt, chưa dám mở rộng quy mô đàn. Trang trại của ông Kinh duy trì số lượng đàn heo nái và nuôi thêm heo thịt số lượng mỗi lứa từ 30-40 con, không dám nuôi nhiều như trước đây.
Ông Kinh cho biết: “Với hình thức nuôi công nghiệp sử dụng hoàn toàn thức ăn viên, chi phí thức ăn chiếm đến 90% chi phí sản xuất, bình quân giá thành sản xuất 1 con heo 100kg trong thời gian nuôi 4 tháng khoảng 4,5 triệu đồng. Giá heo hơi tăng, nhưng các mặt hàng biến động, chi phí khác chưa ổn định, chi phí sản xuất quá cao. Do đó, nếu ồ ạt tái đàn, nguồn cung dư thừa, giá heo hơi giảm trở lại, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó”.
Sở hữu trang trại chăn nuôi heo sinh sản mỗi năm xuất bán từ 400-600 con heo giống ra thị trường, anh Nguyễn Văn Quyết, ngụ xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết thời gian qua giá thức ăn tăng cao nên nuôi heo thịt không hiệu quả. Thời gian nuôi heo dài, rủi ro dịch bệnh, giá bấp bênh nên người chăn nuôi dè dặt trong việc tái đàn.
“Đợt này heo tăng giá, tôi chỉ để lại một số ít heo giống nuôi để xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, không dám mở rộng đàn heo thịt vì sợ rủi ro giá giảm. Thêm vào đó, dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được kiểm soát nên chưa mạnh dạn tăng đàn heo thịt. Tôi tiếp tục giữ ổn định đàn heo nái để sản xuất heo con giống cung cấp cho người dân có nhu cầu chăn nuôi”, anh Quyết nói.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: