10/02/2023 10:36
Theo nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giá heo hơi giảm mạnh từ trước Tết Nguyên đán năm 2023 đến nay chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Trước tết gần 1 tháng, giá heo hơn dao động từ 51.000-52.000 đồng/kg. Những ngày cận tết, giá heo không tăng mà còn tiếp tục giảm thêm, chỉ còn 48.000 đồng/kg.
Sau tết, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn neo lại chờ giá tăng, nhưng vẫn chưa bán được do giá heo giữ mức 50.000-51.000 đồng/kg. So thời điểm giá heo tăng cao nhất hồi tháng 7-2022 với 65.000-70.000 đồng/kg, hiện giá heo hơi giảm khoảng 20.000 đồng/kg.
Ông Danh Oanh Na - chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất nói: “Thời gian qua, giá nhiều loại thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản có chiều hướng tăng cao. Các doanh nghiệp, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi điều chỉnh giá bán nên đại lý phân phối như chúng tôi phải điều chỉnh giá để phù hợp”.
Theo ông Na, hiện giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo đang ở mức rất cao, từ 480.000-750.000 đồng/bao. Giá các loại tấm và cám gạo tăng đáng kể so các năm trước, dao động từ 400.000-420.000 đồng/bao. Bên cạnh đó, nhiều chi phí đầu vào khác phục vụ chăn nuôi cũng tăng như thuốc thú y, điện, nước…
Chị Thị Chăn Minh, ngụ ấp An Phước, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) phối trộn cám gạo tấm với cặn thức ăn thừa cho heo ăn nhằm giảm chi phí.
Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng đã gây khó khăn cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, trong khi đó giá bán đầu ra sản phẩm lại có chiều hướng giảm, lợi nhuận của nông dân giảm nhiều so trước đây.
Bà Thị Lôi, ngụ ấp An Phước, xã Bình An, huyện Châu Thành cho biết: “Tôi còn 8 con heo thịt đã quá lứa, trọng lượng hơn 100kg/con. Tôi vừa kêu thương lái vào xem, họ chỉ trả 48.000 đồng/kg do heo lớn để lâu sẽ khó bán. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi cao quá, tôi bấm bụng bán để cắt lỗ. Ước tính bán mỗi con heo tôi lỗ hơn 1,5 triệu đồng”.
Chị Thị Chăn Minh, ngụ ấp An Phước nói: “Ðể nuôi một con heo đạt 100kg, tôi phải bỏ ra số tiền từ 5 triệu đồng, trong đó chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, chưa tính tiền heo giống khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/con, chi phí tiêm vaccine và tiền điện, nước khoảng 500.000-600.000 đồng. Ðó là chưa kể tiền công chăm sóc và các chi phí thuốc thú y phát sinh khi heo bị bệnh. Giá heo hơi phải ở mức từ 6,5-7 triệu đồng/100kg trở lên mới đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi heo”.
Chị Minh cho biết gia đình chị vừa bán 10 con heo thịt, với giá 5 triệu đồng/100kg, sau khi trừ chi phí, chị chỉ huề vốn dù sử dụng con giống nhà, tận dụng thêm các loại cám, gạo tấm về phối trộn cho heo ăn để cắt giảm lượng thức ăn công nghiệp, giảm chi phí chăn nuôi. Hiện chị còn 3 con heo nái, 20 con heo con vừa tách bầy, bán chưa ai mua.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, sau đợt dịch tả heo châu Phi hồi đầu năm 2022 và tình hình biến động giá cả thức ăn chăn nuôi trên thị trường trong nước đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Một số hộ chăn nuôi chưa dám mở rộng quy mô sản xuất, tái đàn trở lại, dẫn đến tổng đàn heo của tỉnh sụt giảm. Ước tính tổng đàn heo của tỉnh khoảng 251.311 con, chỉ đạt 82,4% kế hoạch năm 2022.
Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đặt ra mục tiêu nâng tổng đàn heo của tỉnh lên 305.000 con. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện tại, ngành chăn nuôi của tỉnh khó đạt chỉ tiêu.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: