16/05/2023 10:43
Xã đảo Hòn Nghệ có lợi thế mặt nước biển nên rất thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng bè. Năm 2018 trở về trước, nghề nuôi cá lồng bè tại xã phát triển mạnh do nguồn cá giống tự nhiên còn dồi dào, con giống rẻ, cá nuôi ít bị hao hụt, giá bán khá cao... Vào thời điểm hưng thịnh, tại đây có trên 1.300 lồng, với gần 200 hộ nuôi cá, chủ yếu là cá bớp, cá mú, cá trân châu...
Các lồng nuôi cá trên biển ở xã đảo Hòn Nghệ (Kiên Lương).
Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòn Nghệ Lâm Việt Thuần, nghề nuôi cá lồng bè năm 2017-2018 phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, 5 năm gần đây nghề nuôi cá lồng bè trên biển chững lại và sụt giảm về số lồng nuôi và người nuôi.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết thay đổi thất thường, môi trường ô nhiễm làm cá thả nuôi hao hụt nhiều. Thêm vào đó, hơn 2 năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhiều người nuôi cá tại xã thua lỗ, nhiều hộ nuôi bỏ nghề, chọn hướng đi khác.
Một số hộ nuôi cá lồng bè ở ấp Bãi Chướng cho biết mấy năm gần đây, ô nhiễm môi trường, khí hậu thay đổi nên cá nuôi hao hụt rất nhiều. Thêm vào đó, hàng năm người nuôi phải di dời lồng nuôi từ 2-3 lần để tránh sóng nên ảnh hưởng đến việc nuôi cá. “Có thời điểm tỷ lệ cá thả nuôi hao hụt đến 50%, tức là khi thả khoảng 1.000 con đến khi thu hoạch chỉ còn 500 con”, anh Trương Hoàng Nhân, ngụ ấp Bãi Chướng nói.
Người nuôi cá lồng bè ở xã đảo Hòn Nghệ (Kiên Lương) chăm sóc cá.
Với mong muốn phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở xã đảo Hòn Nghệ, ông Nguyễn Đức Minh, ngụ ấp Bãi Chướng, kiến nghị hộ nuôi cá mong các ngành chức năng thường xuyên phối hợp địa phương và các hộ nuôi cá khảo sát, có những cảnh báo sớm về tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là cảnh báo về chất lượng nguồn nước giúp người nuôi chủ động trong thả cá nuôi, tránh hao hụt.
Bên cạnh đó, ngành chức năng quản lý chặt chẽ chất lượng con giống cung cấp cho các hộ nuôi trên địa bàn, giúp người nuôi tìm nguồn giống tốt, khỏe. Vấn đề đầu ra của sản phẩm cá nuôi sau thu hoạch cũng cần được tính đến.
Hiện một số hộ nuôi cá tại xã đảo Hòn Nghệ đang áp dụng công nghệ mới vào nuôi cá, thay thế lồng nuôi bằng gỗ truyền thống sang lồng nuôi bằng chất liệu nhựa HDPE. “Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi lồng bè từ chất liệu gỗ sang chất liệu HDPE gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, rất cần ngành chức năng, doanh nghiệp có hướng hỗ trợ người dân về nguồn vốn hoặc hỗ trợ trả chậm giúp hộ nuôi cá duy trì nghề”, đồng chí Lâm Việt Thuần nói.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành cho biết, thời gian tới, phòng tham mưu UBND huyện đăng ký thêm 6 mô hình nuôi cá lồng bè HDPE trên địa bàn và đẩy mạnh chuyển giao mô hình này rộng rãi đến người nuôi. Huyện sẽ đề nghị các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với việc sử dụng lồng bè HDPE theo hướng hỗ trợ mua trả chậm, trả góp… Đây là điều kiện để người dân nuôi cá lồng bè ở Hòn Nghệ tiếp tục phát triển nghề nuôi thời gian tới.
Bài và ảnh: VĂN PHỤNG
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: