01/04/2023 12:33
Chợ Vĩnh Thắng nằm cạnh bờ sông Cái Lớn, người dân thường gọi là chợ đầu lộ Xáng Cụt. Muốn đến chợ, người dân các xã lân cận phải qua phà, đi xuồng, vỏ lãi... Ngày thường, chợ Vĩnh Thắng khá nhộn nhịp, đến chợ phiên chủ nhật càng đông và náo nhiệt hơn. Những tiểu thương lâu năm bán tại chợ cho biết, khoảng hơn chục năm trước, một vài tiểu thương xuôi ghe từ Sông Đốc (Cà Mau) về đây bán khô, thời gian đầu chỉ có nhóm nhỏ vài người rồi đến hàng chục, hàng trăm người nhóm chợ; người dân hẹn nhau ngày cuối tuần mua bán rồi dần hình thành chợ phiên.
Như thói quen, ngày cuối tuần người dân từ các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre đến chợ phiên buôn bán. Chợ phiên họp chợ vào lúc tờ mờ sáng chủ nhật đến giữa ngày tan. 4 giờ sáng, chợ bắt đầu rộn ràng, các tiểu thương vừa trải tấm bạt bày hàng ra vừa cười nói, chuyện trò hỏi thăm nhau công việc. Chợ chủ yếu bán các loại khô như cá lóc, cá đuối, cá khoai, cá lù đù và tôm khô. Những gian hàng khô tấp nập khách từ các xã, huyện lân cận đến mua vì khô ngon, rẻ. Ngoài ra, chợ còn bán nông sản, bánh trái, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép, rau, củ, quả vườn nhà... Từ chợ phiên nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Ngô Thị Linh Pha, ngụ huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết: “Cha mẹ tôi bán khô ở chợ phiên chủ nhật xã Vĩnh Thắng hơn 10 năm, cha mẹ truyền nghề, vợ chồng tôi tiếp tục bán ở đây. Vợ chồng tôi đến Sông Đốc mua khô, cuối tuần đem khô đến chợ phiên bán cho tiểu thương và bà con”.
Để kịp đi chợ phiên chủ nhật, các ghe, xuồng của tiểu thương từ nơi khác đến phải di chuyển từ chiều thứ bảy. Cặp bờ sông có từ 5-7 chiếc ghe neo đậu, trước mũi ghe gắn cây bẹo treo mấy con khô. Ông Lê Văn Việt, ngụ phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) vừa bày hàng khô vừa nói: “Ngày thường, vợ chồng tôi chạy ghe từ chợ này đến chợ khác để bán, cuối tuần nhất định phải đến chợ phiên. Tuần nào cũng vậy, chiều thứ bảy vợ chồng tôi chất đầy khô trên chiếc ghe tam bản xuôi ghe về đây, vừa đi vừa bán. Người dân mua khô nhiều, bán không hết tôi mang về, đến phiên chợ lần sau bán tiếp”.
Chợ Vĩnh Thắng cũng như chợ phiên ngày chủ nhật nổi tiếng bán rẻ, nhiều mặt hàng. Chị Ngô Tú Ni, ngụ xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao chia sẻ: “Tuần nào tôi cũng chờ đến chủ nhật để đi chợ phiên mua khô, rau, củ, quả. So các chợ khác, giá các mặt hàng ở đây rẻ; khô mới ngon; rau, củ, quả tươi. Người dân, tiểu thương bán thân thiện, nhiệt tình và mến khách”.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thắng Lâm Duy Được cho biết: “Chợ phiên góp phần phát huy nét văn hóa truyền thống giao thương ở vùng sông nước nông thôn. Những năm qua, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho chợ phiên chủ nhật hoạt động như xây dựng bến chợ, tạo điều kiện cho việc đi lại, mua bán của người dân dễ dàng hơn”.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: