28/07/2023 15:33
Huyện An Minh có 11 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã nằm giáp biển gồm Vân Khánh Tây, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Đông Hưng A, Tân Thạnh và Thuận Hòa. Trong mùa mưa bão, dông, lốc xoáy thường làm tốc mái nhà dân mắc lên đường dây điện, cây xanh ngã vào hành lang lưới điện ảnh hưởng việc cung cấp điện ổn định, liên tục cho các hộ dân trong xã.
Ngoài ra, đa số người dân vùng ven biển làm nghề nuôi trồng thủy sản nên khoảng 50% trụ điện nằm trên vuông tôm, nước mặn, nền đất yếu, từ đó cột điện dễ bị nứt, ngã trụ… gây sự cố mất điện.
Ông Dương Chí Thiện - Giám đốc Điện lực An Minh cho biết việc cung cấp điện cho các hộ dân vùng ven biển còn khó khăn, hầu hết hộ dân sống không tập trung, có những hộ dân tự ý kéo điện chia hơi về các chòi nuôi tôm sử dụng cột chống đỡ bằng cây tạp không đảm bảo an toàn, đường giao thông đi lại không thuận tiện, có những kênh phải đi lại bằng vỏ máy.
Ban ngày, một số hộ dân đánh bắt cá ngoài biển nên nhà thường xuyên đóng cửa, khả năng sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc gặp để kiểm tra, tuyên truyền cho người dân còn khó khăn.
Công nhân Điện lực An Minh (Kiên Giang) sửa chữa, bảo dưỡng đường dây trước mùa mưa bão.
Điện lực An Minh có trên 43.000 khách hàng sử dụng điện, quản lý 622,44km đường dây trung thế, 900,823km đường dây hạ thế và 742 trạm biến áp. Trong đó, đường dây trung, hạ thế ven biển được tính từ khu vực kênh Chống Mỹ trở ra biển chạy dài từ giáp huyện An Biên đến giáp ranh tỉnh Cà Mau có 122km trung thế, 246km hạ thế và 184 trạm biến áp cấp điện cho khoảng 4.500 khách hàng. Đây là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng trong mùa mưa bão. |
Trước tình hình trên, để đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành, cung cấp điện ổn định cho người dân, Điện lực An Minh (Kiên Giang) luôn chủ động thực hiện công tác kiểm tra định kỳ, phân công cụ thể từng khu vực cho các công nhân và nhân viên kỹ thuật quản lý.
Ông Dương Chí Thiện cho biết định kỳ hàng tháng đều có phân công quản lý khu phát quang hành lang an toàn lưới điện, kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp; kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất trước, trong và sau mùa mưa bão để khắc phục và sửa chữa kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện.
Hàng năm, Điện lực An Minh lập kế hoạch và tổ chức tổng kiểm tra trụ điện để ghi nhận các khiếm khuyết, từ đó tổng hợp, lập kế hoạch khắc phục, sửa chữa cho năm sau, trong đó các khiếm khuyết nguy hiểm được ưu tiên xử lý ngay.
Hàng năm, để cảnh báo đến khách hàng nguy cơ sự cố về điện có thể xảy ra đối với khu vực dân cư ven biển, Điện lực An Minh cung cấp cho người dân các tờ rơi sử dụng điện an toàn mùa mưa bão, tuyên truyền phòng cháy do điện, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp.
Tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Điện lực An Minh treo panô tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, kết hợp điện thoại qua cài app chăm sóc khách hàng EVNSPC nhằm thông tin đến hộ sử dụng điện các thông tin ngành điện, báo mất điện, khi có sự cố xảy ra.
Công nhân Điện lực An Minh (Kiên Giang) sửa chữa, bảo dưỡng đường dây trước mùa mưa bão.
Điện lực An Minh thường kết hợp công tác kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp với việc kiểm tra việc kéo dây câu phụ, dây câu tạp không đảm bảo an toàn, hướng dẫn người dân khắc phục và sử dụng điện an toàn.
Cụ thể, Điện lực An Minh tuyên truyền mỗi gia đình nên sử dụng Aptomat chống rò và chống giật (CB chống giật); cắt cầu dao tổng khi có dông, bão, nước dâng cao tới nền nhà; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong gia đình để sửa chữa kịp thời khi thấy dây bị bong, tróc vỏ, quá tải…
Điện lực An Minh vận động người dân chằng chống nhà cửa chắc chắn để không bị tốc mái khi dông bão; không trồng những cây phát triển nhanh gần đường dây điện, chặt tỉa cây gần đường dây điện đề phòng khi có dông bão cây bị gãy, ngã vào đường dây điện gây sự cố mất an toàn cho người và tài sản…
Khi cần hỗ trợ về an toàn và khắc phục các sự cố về điện liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng qua số điện thoại 19001006, 19009000 phục vụ 24/7, các phản ánh sẽ được khắc phục và hỗ trợ trong thời gian 2 giờ.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: