27/08/2020 18:24
SẢN LƯỢNG GIẢM
Từ đầu tháng 3-2020 đến nay, ngày nào ông Lý Văn Tình, ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) đều vào rừng kiểm tra các kèo ong và thu mật. Ông Tình năm nay hơn 65 tuổi, có thâm niên hơn 30 năm làm nghề gác kèo ong. “Thời điểm năm 2011 trở về trước, mỗi năm tôi thu được trên 300 lít mật nhờ nghề gác kèo ong. Giá bán mỗi lít mật ong lúc ấy chỉ 150.000 - 200.000 đồng, nhưng không có người đến mua nên tôi phải tự đi bán.
Hiện nay, giá mật ong lên đến 400.000 - 500.000 đồng/lít nhưng không có nhiều để bán”, ông Tình cho biết. Mấy năm qua, mỗi năm ông Tình chỉ thu được khoảng 100 lít mật ong. Có khách đặt mua, khi có mật, ông Tình cho hay để khách tự đến nhà lấy, ông không phải đi bán như trước đây.
Có thâm niên gần 40 năm làm nghề gác kèo ong, ông Lê Tiên, ngụ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc cho biết: “Mấy năm gần đây, do người dân trong xã phá tràm để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác nên số lượng đàn ong tập trung về đây ít, lượng mật ong thu về giảm hơn 50% so trước”.
Theo ông Lê Tiên, trước đây tràm còn nhiều, mỗi mùa gác kèo ong, ông có thể thu hoạch vài trăm lít, nhưng mấy năm nay chỉ thu hoạch vài chục lít/năm, không đủ bán. So sức mua bây giờ, mỗi năm, gia đình ông phải có từ 500 lít mật ong trở lên mới đủ đáp ứng nhu cầu.
Đại biểu tham quan sản phẩm ong mật của hộ ông Lê Tiên, ngụ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) tại hội nghị thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng cho biết: “Mật ong là nguồn lợi kinh tế không nhỏ của cư dân rừng U Minh Thượng. Từ những năm 2011, do cây tràm mất giá nên người dân phá bỏ diện tích rừng tràm chuyển sang trồng các loại cây khác nên diện tích tràm thu hẹp dần, kéo theo sản lượng mật ong giảm, trong khi nhu cầu sử dụng mật ong của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhất là khi mật ong rừng U Minh Thượng được công nhận nhãn hiệu tập thể”.
XUẤT HIỆN MẬT ONG PHA CHẾ
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiền, do giá mật ong tăng, nhu cầu mua cũng tăng nên nhiều hộ dân và thương lái vì tham lợi nhuận đã pha trộn mật ong làm giảm đi chất lượng mật ong vốn rất đặc trưng của rừng U Minh Thượng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, ngụ số 132, đường Trần Khánh Dư, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Một lần đi huyện U Minh Thượng, tôi mua của người dân 1 lít mật ong với giá 450.00 đồng nhưng khi sử dụng thấy mật có vị ngọt như đường. Chai mật đậy nắp lâu nhưng không tạo gas và dưới đáy chai xuất hiện lớp đường đặc quánh. Biết là mật giả nên tôi không dám sử dụng nữa”.
Bà Phạm Thị Mây, ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc nói: “Mật ong trôi nổi bây giờ nhiều lắm, có người quen sống tại U Minh Thượng thì nhờ mua mật ong nguyên chất mới yên tâm. Gia đình tôi lấy ong từ vườn nhà như thế nào, tôi bán như vậy, không pha chế. Nhưng thương lái thường pha nhiều tạp chất để tăng lợi nhuận. Khi để tủ lạnh mật đông lại thành đá mới biết mật ong giả”.
TẠO MÔI TRƯỜNG SỐNG CHO ĐÀN ONG
Để thương hiệu mật ong rừng U Minh Thượng được giữ vững và phát triển, theo đồng chí Nguyễn Văn Hiền, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, tái tạo và quy hoạch lại diện tích trồng tràm như nhà nước giao khoán trước đây.
Trong 4ha Nhà nước giao khoán cho mỗi hộ dân nên quy định phải có 2ha lúa, 1ha mương và 1ha trồng tràm. Ngoài vận động nhân dân trồng tràm, nhà nước cần đầu tư các kênh thủy lợi để giữ nước bảo vệ rừng. Việc tái tạo diện tích trồng tràm sẽ tạo môi trường sống cho đàn ong phát triển, người dân khai thác mật.
Tâm huyết với việc giữ chất lượng mật ong rừng U Minh Thượng, ông Lý Văn Tình cho rằng, các ngành chức năng cần thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp cá - tràm - ong và dạy nghề nuôi ong lấy mật cho người dân vì nhu cầu sử dụng mật ong hiện nay tăng mạnh, giá cây tràm và giá cá đồng đang được nâng lên. Làm như thế vừa góp phần giữ vững thương hiệu mật ong rừng U Minh Thượng vừa tạo sinh kế, nâng thu nhập cho người dân địa phương.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: