08/06/2023 14:05
LỢI ÍCH LÂU DÀI
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 42.925 cơ sở gồm nuôi tôm các loại hình thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa và tôm quảng canh cải tiến. Giá trị kinh tế từ ngành hàng tôm mang lại đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm.
Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam, nhất là thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản đặt ra nhiều yêu cầu hơn cho thủy sản Việt Nam. Tôm nguyên liệu xuất khẩu sang các thị trường này phải tuân thủ các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho con tôm rộng đường xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp nhiều địa phương tập trung triển khai công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Trấn Khái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã lúa tôm An Biên (Kiên Giang) dỡ lú bắt tôm.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, số cơ sở thuộc diện đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ là 34.658 cơ sở.
Đồng chí Kim Hoàng Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: “Để người dân hiểu ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các thủ tục để thực hiện cấp mã số. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đối với các xã, thị trấn, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, hỗ trợ các địa phương chậm triển khai, thiếu quyết liệt thực hiện”.
Đến cuối tháng 5-2023, tỉnh cấp 27.562 giấy xác nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, đạt 79,55% kế hoạch. Nhiều địa phương như Kiên Lương, Vĩnh Thuận, An Biên (Kiên Giang) tiến độ thực hiện cấp mã số đạt trên 90%. Hiện các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục và hoàn chỉnh hồ sơ cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ gửi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Kiên Lương (Kiên Giang) là một trong những huyện đã hoàn thành 100% việc cấp mã số cho các cơ sở thuộc diện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của huyện hơn 8.100ha; có 1.267 hộ thuộc diện phải đăng ký cấp mã số.
Ngay sau khi có kế hoạch triển khai thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ của tỉnh, UBND huyện Kiên Lương thành lập các tổ chỉ đạo, tổ giúp việc để hướng dẫn nghiệp vụ công tác cấp mã số cho cán bộ xã, thị trấn. Cán bộ xã đến gặp từng chủ cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký. Các hộ nuôi tôm hiểu và đồng ý thực hiện.
Ông Võ Văn Đây, ngụ ấp Song Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, cho biết: “Tôi thấy việc đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ là việc làm cần thiết. Đây là quy định bắt buộc của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu. Căn cứ vào mã số vùng nuôi có thể xác định được chủ cơ sở nuôi tôm là ai, địa chỉ… Nhà nước yêu cầu thì gia đình tôi nghiêm túc thực hiện”.
TẬP TRUNG GỠ KHÓ
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện còn chậm, chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra do một số khó khăn, vướng mắc như nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định. Người dân chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản; nhiều hộ đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng để vay vốn sản xuất… gây khó khăn cho việc thực hiện thủ tục theo quy định.
Công tác phối hợp các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng để cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn như việc trích lục hồ sơ phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin và giấy tờ cần thiết theo quy định. Số cơ sở thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn rất lớn nên các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng chưa bố trí đủ nhân sự để cung cấp bản sao kịp tiến độ kế hoạch.
Ông Võ Văn Đây, ngụ ấp Song Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) theo dõi sự phát triển tôm nuôi.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành cho biết huyện còn 254 hộ không đủ điều kiện cấp mã số do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thuộc diện tranh chấp.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiên Lương phối hợp các xã, thị trấn, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện rà soát thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân có đủ điều kiện theo quy định, xử lý vướng mắc để tạo điều kiện cho người nuôi tôm thực hiện thủ tục đăng ký cấp mã số. Phòng Kinh tế tham mưu UBND huyện Kiên Lương gửi công văn đến các ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhờ cung cấp bản sao giấy chứng nhận để chủ cơ sở bổ sung hồ sơ, thủ tục đăng ký.
Đồng chí Kim Hoàng Thanh cho biết: “Bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục phối hợp phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn trực tiếp đến cơ sở không chấp hành thực hiện việc đăng ký cấp mã số để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tuân thủ, thực hiện theo quy định”.
Bài và ảnh: GIA BẢO
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: