02/04/2023 17:06
Một số lò vôi bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cản trở lối đi vào các lò vôi.
Trở về làng vôi đã một thời làm nên tên tuổi của xã Hòa Điền, dọc tuyến đường đi tại ấp Núi Trầu, chúng tôi thấy một số lò vôi bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cản trở lối đi vào các lò vôi.
Từng được mệnh danh là “thương cảng” vôi tấp nập nhất tỉnh Kiên Giang suốt mấy thập niên, thế nhưng hiện xã Hòa Điền còn rất ít cơ sở sản xuất vôi hoạt động. Theo những người làm vôi, trước đây, ở xã có tới gần 90 lò nung vôi, vài chục cơ sở sản xuất vôi, nhưng hiện chỉ còn vỏn vẹn 3 cơ sở và chưa đầy 10 lò cầm cự hoạt động.
Gắn bó với nghề làm vôi truyền thống của cha ông, có cơ sở sản xuất kinh doanh vôi, chị Vũ Mộng Dung, ngụ ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền cho biết từ đời của cha mình, nghề làm vôi thịnh hành nhất. Vôi Hòa Điền nổi tiếng khắp nơi ai cũng biết và tìm đến mua, đời sống người dân nơi đây lúc ấy khấm khá.
"Trước đây, tôi và những người dân nơi đây chủ yếu khai thác nguyên liệu đá vôi ở Núi Trầu, nhưng từ năm 1990 đến nay, núi này được cấp phép cho một công ty khai thác khác nên nguyên liệu sản xuất khan hiếm. Để có nguyên liệu, chúng tôi phải mua đá vôi ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, sau đó tự vận chuyển về nơi sản xuất. Vì vậy, vừa gặp khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao, lại còn tốn thêm tiền chi phí vận chuyển. Trải qua 3 đời làm vôi, có thể đời của tôi là truyền nhân cuối cùng”, chị Vũ Mộng Dung tâm sự.
Một công nhân ở ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền còn bám trụ với nghề làm vôi truyền thống tại cơ sở sản xuất kinh doanh vôi của chị Vũ Mộng Dung.
Theo chị Dung, hiện gia đình chị có 2 lò vôi, trong đó 1 lò mẻ, 1 lò liên hoàn, trước đây sản xuất khoảng 400 tấn vôi/tháng. Tuy nhiên, với khó khăn về nguyên liệu như hiện nay, nghề làm vôi của gia đình chị chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi tháng sản xuất chưa được 200 tấn vôi. Từ đó, thu nhập gia đình giảm, số công nhân lao động cũng giảm dần, một số người mất việc.
Anh Đoàn Thanh Hoài - một chủ lò vôi ở xã Hòa Điền nói: “Không chỉ đá khan hiếm mà giá nguyên liệu như than cũng tăng gấp đôi so với trước. Trước dịch COVID-19, giá than mua vào chỉ 2 triệu đồng/tấn, bây giờ tăng lên 4 triệu đồng/tấn. Hiện giá vôi bán ra chỉ 3,5 triệu đồng/tấn. Với giá than hiện nay, chúng tôi sản xuất vôi không có lời. Bên cạnh đó, những thanh niên ở địa phương đều đi làm ăn xa. Giờ kiếm người làm đã khó, thêm vào đó giá thuê nhân công tăng lên, trước đây giá thuê 110.000 đồng/người/ngày, giờ tăng lên 250.000 đồng/người/ngày”.
Nghề nung vôi truyền thống ở xã Hòa Điền trải qua bao thăng trầm, bao biến động. Đối với nhiều người dân ở Hòa Điền, nghề này vẫn luôn trong tiềm thức của mỗi người. Nhiều người bám nghề bao đời nay.
Theo nhiều công nhân làm thuê ở các cơ sở sản xuất vôi tại ấp Núi Trầu, nghề làm vôi là công việc chính để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nếu những cơ sở sản xuất vôi còn lại dừng hoạt động sẽ có rất nhiều công nhân thất nghiệp.
Một số phụ nữ ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền vẫn đi làm thuê cho những cơ sở sản xuất vôi để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Điền Phạm Văn Ngoan cho biết, trước đây xã sản xuất đạt sản lượng trung bình khoảng 120.000 tấn vôi/năm. Vôi chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Lâm Đồng... Vôi Hòa Điền sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản gồm: Bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và Dolomite lime.
Hiện nay, nguồn đá vôi ngày càng cạn kiệt, giá than tăng vọt và bị cạnh tranh khốc liệt của các loại vôi từ Đà Nẵng chuyển vào, từ đó những hộ sản xuất vôi ở xã Hòa Điền không có lợi nhuận. Vôi Hòa Điền có nguy cơ biến mất trong tương lai.
"Chính quyền địa phương đã động viên người dân duy trì nghề truyền thống nhưng vẫn không tránh khỏi nguy cơ mai một. Địa phương mong muốn các cấp, các ngành chức năng khi cấp phép cho các công ty, doanh nghiệp khai thác đá vôi để sản xuất xi măng nên để lại núi đá vôi nhỏ cho các cơ sở sản xuất vôi Hòa Điền khai thác làm nguyên liệu sản xuất vôi. Qua đó, góp phần vực dậy được làng vôi Hòa Điền", ông Ngoan nói.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: