17/01/2024 10:16
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1994, ông Phan Hiếu Nghĩa về quê lập gia đình. Kinh tế gia đình khó khăn, hàng ngày ông đi làm thuê để có thu nhập lo cho gia đình. Tận dụng đất ruộng sau nhà, ông cải tạo nuôi tôm quảng canh nhưng không hiệu quả, lợi thuận thấp.
Năm 2019, ông Nghĩa đầu tư gần 1,2 tỷ đồng để thuê và cải tạo 8.000m² ao nuôi tôm công nghiệp; trong đó, ông đầu tư xây dựng hệ thống lưới che, lắp đặt hệ thống cung cấp ôxy đáy ao, lót nền ao bằng bạt, lắp đặt hệ thống thoát nước...
Không có vốn, ông Nghĩa vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục cải thiện nguồn nước và mua tôm giống về thả. Với quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Nghĩa chịu khó học hỏi, nghiên cứu về giống, thức ăn, nguồn nước khi nuôi tôm công nghiệp, từ đó tôm lớn nhanh, ít hao hụt.
Ông Phan Hiếu Nghĩa, ngụ tổ 5, ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) kiểm tra nguồn nước nuôi tôm.
Theo ông Phan Hiếu Nghĩa, để thành công trong nuôi tôm công nghiệp, con giống và nguồn nước sạch là yếu tố quyết định. Con giống tốt, sạch bệnh, môi trường nước ở ao nuôi đảm bảo vệ sinh thì tôm phát triển tốt, ít bệnh.
“Để nuôi tôm hiệu quả, tôi chia thành 3 ao cho dễ quản lý. Tôi xử lý nước từ biển bơm vào tại ao số 1, nước xử lý và đạt yêu cầu được đưa sang ao số 2. Mua tôm giống về tôi thả vào ao số 2 từ 30-45 ngày. Khi tôm phát triển tốt tôi chuyển sang ao nuôi số 3”, ông Nghĩa chia sẻ.
Với tinh thần chịu khó, ông Nghĩa thoát nghèo từ mô hình nuôi tôm công nghiệp. Mỗi năm ông Nghĩa nuôi 3 vụ tôm, mỗi vụ trừ chi phí ông thu lợi nhuận trên 700 triệu đồng. Gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ông Nghĩa bán tôm với giá 150.000 đồng/kg, thu nhập trên 200 triệu đồng.
“Nhờ nuôi tôm công nghiệp gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống khá giả. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì mô hình nuôi tôm công nghiệp, trong đó tôi ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc tôm để tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm cho nhiều hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là cựu chiến binh của xã giảm dần qua từng năm. “Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Phan Hiếu Nghĩa thường xuyên chia sẻ kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp cho hội viên và người dân. Mô hình nuôi tôm công nghiệp được nhân rộng trong hội viên cựu chiến binh, trong đó có nhiều hội viên thoát nghèo từ mô hình này”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Yên Nguyễn Văn Thông, cho biết.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: