14/02/2023 14:55
GIÁ LÚA, GẠO TĂNG TỪNG NGÀY
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giá lúa tươi tại ruộng tăng từng ngày, trong khi giá lúa tươi loại xuất khẩu sang châu Âu là 7.500-8.000 đồng/kg. Hiện nông dân vào vụ thu hoạch ngay lúc các quốc gia đang cần dự trữ lương thực nên sẵn đà tăng giá. Gạo Việt đang bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ đông xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn.
Ông Bình cho biết: “Công ty đã có đơn hàng gạo loại 5% tấm và gạo 25% tấm mức giá lần lượt là 485 USD/tấn và 495 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so cuối năm 2022. Hiện giá xuất sang châu Âu lên 1.250 USD/tấn”.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đang xuất đơn hàng sang châu Âu từ 1.050-1.250 USD/tấn đối với gạo thơm ST24, ST25 đạt chuẩn hữu cơ và GlobalGAP, gạo thơm khác từ 700-925 USD/tấn.
Nông dân huyện Kiên Lương (Kiên Giang) thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023.
Tất bật, khẩn trương là không khí sản xuất tại các nhà máy sản xuất gạo trên địa bàn Kiên Giang. Khác những năm trước, năm nay thị trường xuất khẩu sôi động hơn.
Theo các chủ doanh nghiệp, xuất khẩu gạo thuận lợi, nhu cầu thế giới tăng cao đã đẩy giá bán lên. Trong nhiều nguyên nhân khiến giá lúa gạo tăng, biến đổi khí hậu khiến nhiều quốc gia sản xuất lương thực gặp khó, nguồn cung sụt giảm. Đây là cơ hội tốt cho hạt gạo Việt vì nước ta ít bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, sản xuất lúa gạo trong nước đang theo chuỗi liên kết và chất lượng.
Ghi nhận tại Kiên Giang, giá lúa đang tăng từng ngày, mỗi ngày khoảng 100-300 đồng/kg, giá gạo cũng tăng 800-1.000 đồng/kg.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường gạo trong nước nóng lên trong 2 năm trở lại đây do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột. Các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Ấn Độ và Pakistan hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc tích trữ lương thực vì hạn hán. Cơ hội của gạo Việt Nam trên thị trường ngày càng cao.
Hiện nay, nhiều khách hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi, châu Âu… đang tích cực thu mua gạo dự trữ.
XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU CHẤT LƯỢNG CAO
Nhận thấy thị trường gạo xuất khẩu có nhiều thuận lợi nên vụ lúa đông xuân 2022-2023, ông Nguyễn Văn Cường, ngụ xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) ký hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời canh tác lúa theo hướng an toàn trên tổng diện tích 52ha.
Ông Cường nói: “Được công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa theo hướng an toàn, đến vụ thu hoạch được bao tiêu với giá tốt nên nông dân an tâm sản xuất. Hiện giá lúa DS1 ở mức cao kỷ lục 8.700 đồng/kg; lúa ST24, ST25 cũng tăng lên mức trên 7.000 đồng/kg nên tôi và người dân rất phấn khởi”.
Nông dân xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phấn khởi thu hoạch lúa trong niềm vui được mùa, trúng giá.
Kiên Giang có tổng diện tích gieo trồng lúa hơn 700.000ha/năm, sản lượng lương thực toàn tỉnh bình quân khoảng 4,3 triệu tấn/năm, là địa phương có nhiều lợi thế về ngành hàng lúa gạo chất lượng cao.
Để nâng cao giá trị hạt gạo, Kiên Giang đang tập trung thực hiện đề án phát triển 1 triệu hécta lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với diện tích 220.000ha. Vùng nguyên liệu này với mục tiêu đa giá trị và tăng trưởng xanh, được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo của tỉnh.
Nhằm chủ động vùng nguyên liệu chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, vụ đông xuân 2022-2023, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân Kiên Giang với hơn 2.000ha đạt chuẩn hữu cơ và GlobalGAP, tăng 300ha so năm 2022. Cùng với đó, công ty đang triển khai dự án mở rộng vùng nguyên liệu 63.000ha tại vùng tứ giác Long Xuyên, đồng thời chờ tỉnh thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu đáp ứng nhu cầu chế biến gạo xuất khẩu.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: