15/07/2020 18:07
Gia đình ông Sơn Cươl (55 tuổi), ngụ ấp Tân Khánh có 2ha đất. Cách đây hơn 5 năm, vợ chồng ông trồng lúa, mỗi năm lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. “Làm cực nhưng thu nhập chỉ đủ ăn, không dư dả được, trong khi đó tôi còn phải nuôi hai đứa con ăn học và phòng khi bệnh hoạn”, ông Cươl nói.
Thấy cuộc sống bấp bênh, không thể làm giàu từ cây lúa nên nhiều lúc gia đình ông Cươl dự định lên tỉnh Bình Dương làm công nhân. Thế nhưng, khi được ban lãnh đạo ấp Tân Khánh tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái, gia đình ông Cươl bắt đầu suy nghĩ khác. Với 2ha đất, ông chuyển sang trồng rau má, cây lồng mức, thiên lý. “Tôi hái rau má bán hàng ngày, thiên lý 5 ngày bán một lần. Lồng mức thu hoạch mỗi tuần một lần. Từ 2ha trồng rau má, lồng mức, thiên lý đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Vì vậy, vợ chồng tôi không còn lo thiếu thốn nữa”, bà Lý Thị Thanh Hương, vợ ông Cươl cho biết.
Không riêng vợ chồng ông Cươl, ấp Tân Khánh còn nhiều người được hưởng lợi từ việc chuyển đổi cây trồng. Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Khánh, ấp có diện tích tự nhiên 517ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 460ha. Ấp có 142 hộ dân, sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, đa số trồng lúa. Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo phục vụ tưới tiêu chủ động nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ. Nhiều diện tích đất chưa được cải tạo hoặc có cải tạo nhưng chưa bằng phẳng, còn nhiễm phèn cao nên sản xuất lúa kém hiệu quả. Từ thực tế này, ấp Tân Khánh định hướng nhân dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái và một số mô hình VAC, đem lại hiệu quả.
Thành viên hợp tác xã trồng màu và cây ăn trái ở ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành tưới nước cho cây trồng. Ảnh: TÂY HỒ
Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp cho biết: “Ấp Tân Khánh phối hợp xã tuyên truyền tại các cuộc họp dân, tổ nhân dân tự quản, tiếp xúc cử tri, phát loa di động… được 13 cuộc với 390 lượt người tham dự. Hơn 2 năm qua, ấp định hướng, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, qua đó có 23 hộ dân chuyển đổi 50ha từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái như dưa hấu, khổ qua, ớt, cà tím, bí đỏ, rau ăn lá..., hình thành vùng chuyên canh rau màu diện tích 17ha, 33ha cây ăn trái”.
Ngoài ra, ấp Tân Khánh tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để nhân dân mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật, thực hiện các mô hình như tưới nhỏ giọt, phun sương, nhà lưới để mang lại hiệu quả, năng suất cao.
Đến nay, ấp Tân Khánh thành lập 1 hợp tác xã trồng màu và cây ăn trái với 10 thành viên. Hợp tác xã này đang áp dụng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành để trồng những cây chủ lực, trồng màu trong nhà lưới, ươm và cung cấp cây giống cho thành viên hợp tác xã và những hộ dân có nhu cầu trên địa bàn huyện.
Không chỉ vậy, ấp Tân Khánh còn định hướng người dân cải tạo vườn tạp để làm mô hình VAC, thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản với số lượng 43 con, 10 mô hình chăn nuôi heo, 6 mô hình nuôi cá nước ngọt. Các mô hình này đều mang lại hiệu quả cao từ 5 - 10 lần so cây lúa, tăng thu nhập cho người dân. Mỗi năm, trung bình 1ha đất sản xuất đem lại lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng, nông dân phấn khởi vì có thể làm giàu ngay trên đất của mình.
TÂY HỒ - THÀNH TRUNG
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: