13/07/2020 09:27
Hiện một số địa phương trong tỉnh bắt đầu thu hoạch lúa hè thu năm 2020, người dân có thói quen thả nuôi vịt chạy đồng. Các đàn vịt được thả không kiểm soát sẽ là nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh cúm gia cầm. Song song đó, tỉnh ta đang vào cao điểm mùa mưa, môi trường ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi để nhiều loại virus gây bệnh cho gia cầm phát sinh.
Giồng Riềng là một trong những huyện cửa ngõ tiếp giáp với tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ; tổng đàn gia cầm của huyện lên đến 1,5 triệu con, chiếm gần 40% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh. Số lượng vịt chạy đồng từ các nơi đổ về cũng tăng cao.
Đồng chí Trần Trí Nghĩa - Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Giồng Riềng cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện, trạm phối hợp cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật rà soát, kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng cúm gia cầm đối với các hộ chăn nuôi vịt chạy đồng trên địa bàn các xã, thị trấn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp hộ chăn nuôi vịt chạy đồng không tiêm phòng dịch cúm gia cầm cho đàn vịt được vào địa bàn. Đối với các hộ chăn nuôi tại địa phương, cán bộ thú y đã tiêm trên 700.000 liều vắc xin cúm gia cầm, đồng thời nhắc nhở hộ chăn nuôi phun xịt khử trùng chuồng trại thường xuyên để phòng dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn huyện Giồng Riềng chưa phát sinh ổ dịch cúm gia cầm”.
Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn gà của hộ chăn nuôi ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng).
Ý thức được các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm H5N1 có thể xảy ra trong mùa mưa gây hại vật nuôi bất cứ lúc nào, người chăn nuôi địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch. Ông Nguyễn Văn Thương, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) chia sẻ: “Dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 thường phát sinh vào mùa mưa, vì thế để đảm bảo đàn gà phát triển tốt, ít phát sinh dịch bệnh, sau khi mua về thả nuôi, tôi thường xuyên bổ sung thêm nhiều loại vitamin, khoáng chất để tăng cường đề kháng cho đàn gà. Tôi tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm, kết hợp sửa chữa, dọn dẹp lại chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ, định kỳ phun hóa chất sát trùng để hạn chế mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường. Nhờ thế đàn gà của gia đình tôi phát triển tốt, ít hao hụt hơn trước”.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 5 triệu con gia cầm. Từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục tích cực phối hợp các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như phun hóa chất ở các khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân, các điểm tập kết giết mổ.
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh phát triển, mặt khác nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường đang tăng, khiến việc mua bán, vận chuyển động vật ra vào tỉnh nhiều hơn. Đây là yếu tố khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Vì vậy, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi như thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết.
Hộ chăn nuôi cần tu sửa, chằng chống chuồng trại; đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt cần tôn cao nền chuồng, làm sàn kê cao, có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt, dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Định kỳ phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm trước mùa mưa bão. Thường xuyên kiểm tra đàn gia cầm, phát hiện sớm những bất thường, báo ngay cho cán bộ thú y hoặc cán bộ nông nghiệp xã để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Mô hình điểm nông nghiệp đô thị công nghệ cao triển khai tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên tỉnh Kiên Giang với diện tích 800m2. Mô hình với nhiều sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, táo, cà chua, các loại rau… không sử dụng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tổng số lượt truy cập: