06/07/2022 12:32
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước với hơn 9.800 tàu cá, trong đó có 3.896 tàu khai thác xa bờ. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt; các cấp, các ngành thực hiện nhiều giải pháp phòng chống khai thác IUU, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá của ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân do trách nhiệm của một số đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ tàu, thuyền trưởng chưa nghiêm, dùng nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong nghề khai thác hải sản là nguồn lợi đã cạn kiệt, trong khi giá nhiên liệu, vật tư, nhân công đầu vào đều tăng cao so với trước đây. Sản lượng đánh bắt sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí cho một chuyến biển tăng cao.
Mặt khác, muốn đưa tàu ra khơi, chủ tàu phải chạy vạy vay tiền mới đủ trang trải chi phí. Thu không đủ chi nên nhiều chủ tàu buộc lòng phải “neo bờ” khối tài sản hàng tỷ đồng. Tiền lãi ngân hàng để hình thành nên khối tài sản này chủ tàu vẫn phải trả. Một bộ phận chủ tàu giỏi nghề, gồng gánh được chi phí đưa tàu ra khơi thì đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, do nghề ngư phủ thu nhập quá bấp bênh.
Tàu cá neo đậu tại khu vực gần cảng cá Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh. Ảnh: HIỀN MINH
Do có quá nhiều áp lực trong nghề nên một bộ phận chủ tàu, thuyền trưởng đã phát sinh tư tưởng tiêu cực “đưa tàu sang vùng biển nước bạn khai thác hải sản bất hợp pháp”. Một chủ tàu có hơn 30 năm trong nghề khai thác hải sản thú thiệt: “Cùng đường, ngư dân mới phải lén lút sang vùng biển các nước đánh bắt trộm. Chúng tôi biết việc làm này là sai trái, vi phạm pháp luật, nhưng đánh liều mong có tiền trả nợ. Bị phía nào bắt cũng mất tất cả, có khi phải ngồi tù, nhưng tàu nằm bờ thì đổ nợ”.
Suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động vi phạm pháp luật. Mặc dù hiện nay các tàu đánh bắt xa bờ đều đã gắn thiết bị giám sát hành trình (3.649 tàu), nhưng một số chủ tàu, thuyền trưởng lợi dụng những bất cập, kẽ hở trong quản lý thiết bị lắp trên tàu cá để thực hiện hành vi vi phạm, như tự ý tắt, hoặc cắt nguồn cấp điện. Ngoài ra, một số trường hợp khi ra khơi đã tháo hẳn cabin nơi có lắp thiết bị để sang một con tàu khác. Tàu có cabin chứa thiết bị nằm lại vùng biển hợp pháp, trong khi tàu không cabin lấn sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt trộm.
Một số chủ tàu, thuyền trưởng còn lợi dụng việc bấm chì lỏng lẻo trên các thiết bị giám sát hành trình mà cắt chì hoặc tháo thiết bị ra, sau đó mua chì trôi nổi trên thị trường bấm vào, hoặc đổ thừa do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nước mặn, giông bão làm đứt chì. Khi tắt nguồn thiết bị, nếu bị cơ quan chức năng truy vấn, ngư dân cho rằng do tố lốc, thời tiết xấu nên mất tín hiệu…
Để thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm của các chủ thể là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần ưu tiên bố trí kinh phí, phân bổ biên chế cho các tổ chức, cơ quan được giao nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật, trọng tâm là nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng của EC. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, lực lượng kiểm ngư cần tập trung nguồn lực để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tàu khai thác hải sản cập cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành. Ảnh: THÙY TRANG
Thời gian qua, cùng với việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, Kiên Giang đã có được những kết quả rất tích cực trong việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017. Tuy nhiên, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm, bảo đảm tính răn đe, giáo dục tới người dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang được đặt ra như việc bảo vệ ngư trường, nguồn lợi hải sản và những khó khăn mà ngư dân đang gặp phải… Chống khai thác IUU cần có giải pháp căn cơ mới bền vững (!)
ĐỨC BÌNH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: