29/03/2023 15:12
Là một trong những tiểu thương áp dụng phương thức thanh toán quét mã QR và chuyển tiền qua điện thoại tại chợ Giồng Riềng, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) từ ngày 21-3 đến nay, bà Trần Ánh Tuyết - tiểu thương bán trái cây cho biết: “Phương thức thanh toán này rất thuận tiện như khỏi phải trả lại tiền thừa cho khách, không sợ khách trả bằng tiền giả, dễ quản lý tiền vào, tiền ra...”.
Đồng chí Trần Văn Thanh (bìa trái) - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Giồng Riềng vận động tiểu thương chợ Giồng Riềng ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Sau gần 4 tháng triển khai kế hoạch thực hiện mô hình chợ 4.0, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Giồng Riềng đã phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Giồng Riềng Kiên Giang II, Trung tâm Viễn thông (VNPT) Giồng Riềng, Trung tâm Viettel Giồng Riềng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động doanh nghiệp, cơ sở, hộ tiểu thương kinh doanh trên địa bàn thị trấn đăng ký tạo mã quét QR, cài đặt các ứng dụng như VietQR của Agribank hay ứng dụng VNPT Money, Viettel Money. Qua tuyên truyền đã có trên 60 doanh nghiệp, hộ tiểu thương thực hiện.
Được phân công tham gia tổ tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương tại chợ Giồng Riềng cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đồng chí Trần Đắc Hy - Phó Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Giồng Riềng cho biết: “Đa số hộ tiểu thương đã từng sử dụng tài khoản ngân hàng nên khi hướng dẫn cài mã QR đều hưởng ứng tích cực. Một số tiểu thương lại thích cài ví điện tử của các nhà mạng hơn vì chuyển tiền không tốn phí, liên kết được với 15-20 ngân hàng và không tốn phí hàng tháng”.
Theo đồng chí Trần Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Giồng Riềng, với mục tiêu kích cầu mua sắm, tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn, việc đưa vào thực hiện mô hình chợ 4.0 còn nhằm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần xây dựng thị trấn Giồng Riềng trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 như nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
“Chợ 4.0 là hình thức chợ mới ứng dụng công nghệ thông minh vào cách đi chợ thông thường của người dân. Với mô hình chợ 4.0, các tiểu thương và người dân có thể mua bán mọi mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua ứng dụng VietQR của Ngân hàng Agribank hoặc ứng dụng VNPT Money của VNPT, Viettel Money của Viettel để giao dịch mà không cần tiền mặt, giúp các giao dịch, mua bán thông qua các ứng dụng này được nhanh chóng, thuận tiện và an toàn”, đồng chí Trần Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Giồng Riềng nói. |
Chị Nguyễn Thúy Kiều - tiểu thương bán tạp hóa tại chợ bách hóa Giồng Riềng nói: “Có rất ít khách áp dụng phương thức thanh toán qua mã QR hay ví điện tử, đa số khách đến mua hàng vẫn dùng tiền mặt. Phần lớn khách hàng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm từ các khu công nghiệp ở xa về chứ người dân ở quê vẫn quen thanh toán bằng tiền mặt”.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân quen dần với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, theo đồng chí Trần Văn Thanh, thị trấn Giồng Riềng tiếp tục tuyên truyền, tổ chức cuộc vận động ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong thực hiện.
Song song đó, phối hợp ngân hàng, nhà mạng triển khai rộng rãi các ứng dụng thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tiểu thương và người tiêu dùng.
Đánh giá cao sự sáng tạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Giồng Riềng trong việc thực hiện mô hình chợ 4.0, đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng yêu cầu thị trấn Giồng Riềng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu, biết cách sử dụng và tự nguyện tham gia.
“Cần chọn 1-2 khu trong chợ Giồng Riềng thực hiện mô hình không dùng tiền mặt để mua bán, từng bước nhân rộng ra phạm vi toàn chợ. Giao các ngành liên quan của huyện phối hợp ủy ban nhân dân các xã khảo sát nhu cầu của người dân về thực hiện mô hình này, từng bước hình thành lối sống hiện đại trong đại bộ phận nhân dân trong huyện”, đồng chí Nguyễn Văn Hiền cho biết.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH - TRẦN VĂN
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: