25/03/2022 09:21
Với lợi thế là một hướng dẫn viên du lịch, từng đến 23 quốc gia trên thế giới, tiếp xúc với kiến thức và luật định về bảo vệ môi trường ở các nước nên No đã ấp ủ ý tưởng sản xuất ống hút từ cây cỏ bàng, sậy.
SẢN PHẨM ĐƯỢC NGƯỜI TIÊU DÙNG ƯA CHUỘNG
Trước đây, sậy, cỏ bàng mọc hoang ở nhiều nơi, chủ yếu được người dân sử dụng để làm một số việc liên quan đến nghề nông. Về sau, cây cỏ bàng còn được tận dụng làm ra sản phẩm đan đát xuất bán, nhưng sậy vẫn chưa được tận dụng. Nhớ về tuổi thơ từng bẻ sậy thay cho ống hút để uống nước dừa mỗi khi ra đồng cộng thêm kiến thức học hỏi được từ các nước trong việc giảm rác nhựa nên thanh niên trẻ Huỳnh Văn No nảy ra ý tưởng biến sậy, cỏ bàng trở thành sản phẩm ống hút.
Ban đầu, No sản xuất thủ công nên năng suất, sản lượng chưa cao. Sau đó, No mày mò nghiên cứu tự chế các loại máy móc để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm như máy rửa, máy cắt, máy sấy. Sản phẩm ống hút làm từ sậy, cỏ bàng được người tiêu dùng ưa chuộng và phản hồi rất tốt vì bằng chất liệu tự nhiên, không hóa chất, không bị tan trong nước như ống hút giấy. No cho biết: “Khởi nghiệp từ tháng 6-2019, tôi nhận đơn hàng nhiều nhất vài ngàn ống hút. Đến cuối năm 2019, số lượng đơn hàng tăng lên vài chục ngàn sản phẩm. Hiện tại, thị trường Canada, Mỹ rất thích thú với sản phẩm này và đang thương lượng các đơn hàng lớn hơn với tôi”.
Anh Huỳnh Văn No sử dụng máy cắt sậy, cỏ bàng trước khi rửa, tạo thành ống hút thành phẩm.
Dù dịch bệnh COVID-19 làm các hoạt động bị chững lại, nhưng đến hiện tại, trên 2 triệu ống hút của No đã bán đi trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ được chất lượng sản phẩm ống hút do xưởng sản xuất của No làm ra không kém cạnh các mặt hàng ở những nước khác.
Điều đáng mừng hơn nữa, từ lúc khởi nghiệp đến nay, xưởng sản xuất của No tạo việc làm cho hơn 20 lao động nhàn rỗi địa phương, thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, ngụ xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) chia sẻ: “Lúc trước, tôi chỉ ở nhà nội trợ, từ khi có xưởng làm ống hút sậy, cỏ bàng, tôi xin vào làm tới giờ, công việc nhẹ nhàng, lương khá ổn định. Từ ngày làm ống hút này, gia đình tôi và nhiều người ở đây cũng hiểu tác hại của rác thải nhựa, dùng ống hút sậy, cỏ bàng thay ống hút nhựa”.
CẢI TIẾN MÁY MÓC, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Việc ống hút sậy, cỏ bàng được xuất đi các nước như Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore khiến No vô cùng tự hào vì sản phẩm mang tên Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Điều đó thôi thúc No nỗ lực hơn đưa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đi xa hơn.
Người lao động tại xưởng sản xuất ống hút của Huỳnh Văn No gia công sản phẩm ống hút từ sậy, cỏ bàng.
Theo No, sản phẩm ống hút cỏ bàng, sậy không phải là sản phẩm mới, đã có nhiều start up mới như No khởi nghiệp từ ý tưởng này. Để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi No không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã và năng suất, làm ra sản phẩm số lượng lớn, hạ giá thành sản xuất. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, No đã thành công trong việc cải tiến các máy móc phục vụ sản xuất, bình quân một ngày có thể sản xuất từ 9.000-10.000 ống hút, tăng gấp 3-4 lần so với sản xuất theo phương pháp thủ công, cắt rửa bằng tay, giúp giảm 50% giá thành sản xuất/ống. Đây chính là lợi thế giúp No có thể cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo sản xuất đơn hàng lớn.
Hiện Huỳnh Văn No đã dời xưởng sản xuất từ huyện Gò Quao sang xã An Minh Bắc (U Minh Thượng), giúp thuận tiện trong việc thu mua nguồn nguyên liệu sản xuất. Đây là vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào. No dự định mở rộng quy mô sản xuất, trang bị thêm máy móc và tuyển thêm lao động, tự trồng hình thành vùng nguyên liệu để chủ động hơn trong sản xuất. No cho biết: “Với một start up mới như tôi rất cần sự hỗ trợ về mặt xúc tiến thương mại từ các cơ quan, ban, ngành để đưa sản phẩm ống hút cỏ bàng và sậy tiến xa hơn vào các thị trường mới. Trước mắt, thời gian tới, tôi mong muốn được tiếp cận đưa sản phẩm đến các resort, nhà hàng tại TP. Phú Quốc để người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa, góp phần bảo vệ môi trường”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: