19/01/2023 08:24
Những ngày cận Tết Nguyên đán, ai cũng cố gắng lao động để tăng thu nhập, vui xuân, đón tết sung túc hơn. Anh Mai Chí Thật, ngụ khu phố 2, thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh (Kiên Giang) cho biết: “Ngoài việc đồng áng thì tôi còn bứng mai thuê cho những gia đình nào có nhu cầu để kiếm thêm nguồn thu nhập. Đây là nghề tay trái được tôi làm suốt 5 năm qua, tuy vất vả nhưng cho thu nhập quanh năm, giúp gia đình có chi phí trang trải cuộc sống”.
Anh Mai Chí Thật, ngụ khu phố 2, thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh (Kiên Giang) đang bứng mai cho chủ vườn.
Xuất phát từ làm phụ hồ, đào đất, Anh Huỳnh Thanh Tú, ngụ ấp Đòn Dong, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và vài thanh niên khác trong xóm thành lập đội chuyên bứng mai, kiểng, gốc cây thuê cho các chủ vườn. Bộ đồ nghề của các anh đơn giản chỉ là cây xà beng, búa, xẻng đào đất… để đào rễ cây.
“Công việc này nặng nhọc lắm, vào cao điểm mùa tết phải đội đèn đi bứng mai từ sáng sớm và đến tờ mờ tối mới được về nhà. Việc bứng mai có lúc nhẹ nhàng, nhưng có lúc cực kỳ vất vả. Cây nhỏ thì bứng dễ và nhanh, còn những cây to và cao thì cần nhiều sức để bật cả gốc lên khỏi mặt đất mà không để cây bị tổn thương”, anh Tú nói.
Vì tạo được uy tín cũng như được nhiều người biết đến, cứ mùa tết, ông Trần Văn Hai, ngụ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) được nhiều chủ vườn liên hệ đặt lịch để bứng mai đem bán cho thương lái. Những hộ gia đình có nhu cầu bứng mai cho vào chậu chơi tết cũng thuê ông Hai bứng.
Theo ông Hai, việc bứng mai rất cực, nhưng bù lại ông được trả công từ 250.000-700.000 đồng mỗi ngày, tùy theo gốc mai lớn hay nhỏ, thậm chí có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày, giúp gia đình đón tết no ấm hơn.
Anh Nguyễn Văn Bình, ngụ khu phố 1, thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh bứng mai giao cho khách.
Theo một số người làm nghề bứng mai, các công đoạn bứng mai khá phức tạp, đòi hỏi phải am hiểu các kỹ thuật để tránh ảnh hưởng đến cây. Khi bứng mai phải lựa chọn thời điểm thích hợp để cây có tỷ lệ sống cao, đâm nhiều chồi.
Đối với những gốc mai có giá trị lớn, trước khi bứng, người thợ phải kiểm tra cây có đủ sức khỏe hay không bằng cách xem bộ lá, khí hậu, loại đất... Nếu cây mai không bảo đảm được điều kiện sức khỏe thì không nên bứng vì dễ làm cây chết. Đối với mai trồng theo vườn, các thợ sẽ bứng và bó rễ theo yêu cầu của khách hàng.
Cũng làm nghề bứng mai, anh Nguyễn Văn Bình, ngụ khu phố 1, thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh chia sẻ: “Nghề bứng mai rất kỳ công, các công đoạn đều có liên quan chặt chẽ với nhau, sơ suất ở bất kỳ công đoạn nào thì hư cây ngay. Đôi khi tôi lo lắng nếu lỡ làm hư cây sẽ phải đền tiền".
Nghề bứng mai tuy khá vất vả nhưng đổi lại người làm nghề này có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải chi phí cho gia đình trong dịp tết đến, xuân về.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN - THANH THANH
(KGO) - Ngày 20-11, tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024-2025 thuộc đề án 1 triệu ha.
Tổng số lượt truy cập: