24/11/2023 10:56
Qua hai cuộc kháng chiến, cái nôi cách mạng của tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) là toàn vùng U Minh Thượng, trong đó có xã An Minh Bắc. Theo Bí thư Đảng ủy xã An Minh Bắc Nguyễn Văn Toản, sau chiến tranh xã An Minh Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của bom đạn, là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, toàn xã có 17% đồng bào dân tộc Khmer.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền An Minh Bắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế, chủ yếu là sản xuất lúa, trồng cây ăn trái, chuối, nuôi tôm... Từ đó kinh tế của xã tiếp tục có mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất 9 tháng năm 2023 ước đạt 899 tỷ đồng.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc Dương Thúy Hằng cho biết trong năm 2023 xã đã vận động thành lập mới 2 tổ hợp tác, đến nay toàn xã có 8 tổ hợp tác sản xuất, nuôi trồng như tôm càng xanh ấp Công Sự, lúa - cá - cua ấp Kênh Năm, hoa cây kiểng ấp Minh Thoại... Đồng thời, xã tiếp tục chỉ đạo nâng cao hoạt động Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc.
Ông Lý Văn Tình - thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, là lão nông kỳ cựu tại ấp Kênh 5, xã An Minh Bắc cho biết ông luôn tìm tòi, nghiên cứu cây trồng, vật nuôi mới hoặc những mô hình kinh tế hiệu quả từ nơi khác về áp dụng. Nhờ vậy, năm 2023, khi xoài, bưởi có giá bán không cao, ông Tình vẫn có nguồn thu nhập khác từ mô hình nuôi ốc bươu đen kết hợp trồng thêm bông súng.
Ông Tình chia sẻ: “Tôi kết hợp trồng xoài, bưởi với nuôi ốc bươu đen, nuôi cá, trồng thêm bông súng trong mương, tạo nguồn thu nhập thường xuyên, cải thiện kinh tế gia đình”.
Người dân xã An Minh Bắc nuôi ốc bươu đen kết hợp trồng chuối, góp phần tăng thu nhập gia đình.
Theo ông Lý Văn Tình và nhiều hộ dân sống nhiều năm ở xã An Minh Bắc, sau giải phóng địa bàn xã còn rất khó khăn, song người dân vẫn kiên trì bám trụ mảnh đất An Minh Bắc, cải tạo đất hoang, lên liếp trồng chuối, trồng cây ăn trái, làm ruộng… dần dà phát triển kinh tế. Từ vùng đất phèn canh tác kém hiệu quả, qua nhiều năm, bàn tay, khối óc con người nỗ lực cải tạo, đến nay đất đai ở An Minh Bắc đã trở nên màu mỡ hơn.
Ông Tô Văn Thành, người dân sống nhiều năm ở xã An Minh Bắc cho biết: “Trước đây khu vực vùng đệm An Minh Bắc, người dân toàn cất nhà lá ở, cải tạo đất sậy, đất phèn làm ruộng, làm rẫy; đi lại vô cùng khó khăn, xa chợ, xa trường. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân làm ăn có dư, xây nhà khang trang nhiều hơn. Đường sá thông thoáng, người dân đi chợ thuận tiện, con em đi học dễ dàng”.
Ngoài chú trọng phát triển kinh tế, An Minh Bắc quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa. Xã tranh thủ các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc Dương Thúy Hằng cho biết hiện xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới, đang tiếp tục được huyện thẩm định 2 tiêu chí còn lại, phấn đấu đến cuối năm 2023, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
“Hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã còn 3,89%, trong đó còn 32 hộ Khmer khó khăn về nhà ở. Theo kế hoạch, Tết quân - dân năm 2024 mừng Chôl Chnăm Thmây, các cấp, ngành sẽ chung tay hỗ trợ cất 32 căn nhà cho 32 hộ dân nói trên. Việc làm này sẽ có ý nghĩa rất lớn chung sức cùng xã xóa nhà xiêu vẹo, giúp người dân ổn định nơi ở và góp phần xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Dương Thúy Hằng cho biết.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Sáng 19-11, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số vào quản lý sản xuất, tài chính của hợp tác xã tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: