05/12/2024 15:10
Huyện Châu Thành nổi tiếng với khóm Tắc Cậu có vị ngọt dịu, chua thanh. Những năm gần đây, người dân sáng tạo nhiều sản phẩm từ khóm để nâng cao giá trị loại đặc sản này. Tuy nhiên, việc tận dụng phế phẩm từ khóm để tạo ra các sản phẩm hữu cơ là ý tưởng mới mẻ.
Từ trái khóm, hai học sinh Trần Ngọc Đan Thanh và Dương Thị Hồng Diễm tạo ra sản phẩm nước rửa chén hữu cơ thân thiện với môi trường, mang nét đặc trưng của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và quảng bá nông sản quê hương Kiên Giang.
Trần Ngọc Đan Thanh cho biết ý tưởng làm nước rửa chén từ khóm xuất phát từ mong muốn tạo ra các sản phẩm hữu cơ an toàn cho người dùng. “Khó khăn lớn nhất là làm sao để bảo quản sản phẩm lâu dài vì đây là sản phẩm hữu cơ. Qua nhiều lần thực nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu các bài báo, các video chia sẻ về nước rửa hữu cơ trên thị trường, nhóm tạo ra sản phẩm hoàn thiện như mong muốn. Chúng em rất vui và phấn khởi khi thực hiện dự án thành công”, Đan Thanh nói.
Ban giám hiệu, giáo viên Trường THPT Châu Thành (Châu Thành) cùng hai em Trần Ngọc Đan Thanh (thứ ba, từ trái qua) và Dương Thị Hồng Diễm tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 năm 2024.
Để làm được sản phẩm nước rửa chén từ khóm, nhóm trải qua nhiều công đoạn như thu gom rác phế phẩm của trái khóm; phân loại, sơ chế các phế phẩm của trái khóm theo quy trình; kết hợp một số phụ phẩm khác để ủ lên men; lọc sản phẩm; pha chế thành phẩm…
Tháng 2-2024, nhóm thử nghiệm sản phẩm thành công bước đầu, đến tháng 5-2024, nhóm được một số giáo viên hỗ trợ, cho ra sản phẩm hoàn thiện; tháng 6-2024, phát triển sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường nhờ có khả năng làm sạch tự nhiên, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, tốt cho môi trường, giá thành hợp lý.
Hồng Diễm phụ trách marketing cho sản phẩm. Khách hàng nhóm hướng đến là các cửa hàng bách hóa; các cơ sở kinh doanh sản phẩm từ khóm, gian hàng quảng bá du lịch; hộ gia đình và các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và nỗ lực trong việc tăng độ nhận diện sản phẩm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tỉnh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 năm 2024, dự án “Nước rửa chén hữu cơ Taca Clean” có ý tưởng độc đáo, sáng tạo vì nhóm chọn sử dụng nguồn tài nguyên bản địa để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Đây là sản phẩm nước rửa chén hữu cơ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm mẫu được người sử dụng thử đánh giá cao về chất lượng, giá cả bước đầu hợp lý.
"Việc sử dụng phế phẩm từ khóm góp phần giải quyết lượng rác thải, bảo vệ môi trường và lan tỏa thông điệp thúc đẩy người dân tái chế rác thải thành sản phẩm hữu ích. Dự án có tính khả thi cao, tuy nhiên nhóm cần đầu tư mẫu mã bắt mắt và xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm nhận định.
Đây là lần thứ hai Trần Ngọc Đan Thanh có dự án đoạt giải tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, tại cuộc thi này lần thứ 2 năm 2023 dự án “Phân bón hữu cơ từ rác thải nông nghiệp và thủy sản” do Đan Thanh và 2 học sinh khác thực hiện đoạt giải khuyến khích. Theo Đan Thanh, cuộc thi là sân chơi bổ ích để các bạn trẻ thử sức, thể hiện niềm đam mê nghiên cứu sản phẩm và thực hiện dự án khởi nghiệp. “Em rất vui khi đoạt giải tại cuộc thi. Hai dự án đoạt giải là dấu ấn sâu sắc, là niềm tự hào trong hành trình học tập của em”, Đan Thanh nói.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang nhiệm kỳ mới.
Tổng số lượt truy cập: