07/04/2023 10:57
Các thầy Nguyễn Hoàng Minh, Hà Linh Tân, Hồ Thanh Khôi, Trần Đăng, Phạm Sô, Vũ Giang, Lê Sơn Nam, Hồ Thiệu Hùng, Phạm Kim Yến, Lê Thị Thịnh, Nguyễn Phụng Anh, Nguyễn Đình Hiên, Trần Hoán, Lê Văn Ánh, Nguyễn Bảy Năm… không chỉ giảng dạy cho lớp học sinh tạo nguồn tại Trường Trung học Lý Tự Trọng mà còn trao “ngọn đuốc sư phạm” bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu thương cho học viên Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ để họ trở thành những nhà giáo chiến sĩ.
Cán bộ lãnh đạo, nhân viên Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ, ban giám hiệu Trường Sư phạm Tây Nam bộ trong lần họp mặt truyền thống Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh tư liệu
Các tỉnh miền Tây Nam bộ trong chiến tranh có chung đặc điểm “giải phóng đến đâu, trường mở đến đó”, cho nên những giáo viên được đào tạo tại Trường sư phạm Khu Tây Nam bộ mà thầy cô ở trường từng nói là “lớp giáo viên được đào tạo phục vụ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ” trở về địa phương, bám trụ dạy học, trở thành những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, tay cầm phấn, tay cầm súng.
Thời ấy, có những giáo viên cháy bỏng tình yêu nghề, hy sinh bên hầm tránh pháo trên tay còn cầm giáo án tại xã Vĩnh Bình Bắc như thầy giáo Phan Hoàng Lương. Có nhà giáo, cán bộ giáo dục quyết bám trụ địa bàn Vĩnh Thuận để xây dựng phong trào giáo dục “giải phóng đến đâu, trường mở đến đó” và hy sinh như nhà giáo Huỳnh Thị Huệ. Hai nhà giáo là hai chị em ruột Ngô Kim Thu, Ngô Kim Nga mà nhà giáo Hồ Thị Thiện đã có những vần thơ xúc động ca ngợi:
“Vượt lửa đạn em đưa từng học sinh đến lớp
Tan mây mù rừng mua tím lại nở hoa
Quét nền tro cùng cô bác dựng nhà
Lớp không bảng lấy cánh trực thăng làm bảng
Không bàn kê ống pháo sáng làm bàn
Cho trường em tiếng hát lại vang vang…”.
Ngôi trường dân lập tại kênh Ba Hớn, ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận lấy cánh trực thăng làm bảng, lấy ống pháo sáng làm bàn. Cánh trực thăng đó được lấy từ chiếc trực thăng bị bộ đội ta bắn rơi trong trận chống càn tại hai ấp Bình Minh và Kè Một. Hai nhà giáo còn mãi tuổi 20 khi đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất các cô đã vượt lửa đạn đưa từng học sinh đến lớp...
Năm 1969, sau hơn 6 tháng vượt Trường Sơn, ông Hồ Thiệu Hùng về biên giới Hà Tiên và được giao liên đưa về Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ đóng trong cứ rừng đước. Khi nghỉ lại trạm giao liên của Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ tại xã Đông Hưng (An Biên, nay là An Minh), pháo giặc từ ven biển Thứ Mười Một bắn vào cứ, ông bị thương gãy chân và một đồng nghiệp cùng đoàn bị miểng pháo chém ngang bụng, đổ ruột ra ngoài. Ông lê chân gãy gần lìa đầy máu được ông thắt ga rô tới bên bạn, lấy chén ăn cơm cá nhân úp vào bụng đồng chí, cột khăn lại nhưng đồng chí đã hy sinh vì mất máu nhiều.
Giặc đổ quân ngay sau đó, do bị thương nặng, ông Hùng không thể theo giao liên được mà trạm quân y phải để ông trên chiếc xuồng ba lá, đẩy vào một đám lau sậy, ngụy trang lại. Giây phút sinh tử đó, ông xin một trái lựu đạn để “cưa đôi” với giặc khi chúng càn tới.
Câu chuyện về thầy giáo trẻ Hồ Thiệu Hùng lúc đó gây xúc động mạnh với nhiều người. Người ta gọi ông là “Pavel của Việt Nam” (một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nga).
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng và nhà giáo Phạm Kim Yến đón tuổi 80 năm 2023 trong ngôi nhà ấm cúng của mình tại TP. Hồ Chí Minh.
Khi về giảng dạy tại Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ, vết thương chân của thầy Hồ Thiệu Hùng luôn sưng tấy và mưng mủ nhưng thầy vẫn đứng trên bục giảng đúng tiết, đúng giờ, truyền kiến thức từ trong sách vở và kiến thức sống thiết thực cho gần 100 học viên của hai khóa sư phạm 1974-1975.
Thầy Hùng làm công tác chủ nhiệm, dạy chuyên toán, dạy nhạc, phụ trách các chương trình văn nghệ lớn của trường. Những lúc cả lớp lao động xây trường, thầy chống gậy ra công trình chia sẻ với học trò bằng những câu chuyện kể thầy được đọc ở miền Bắc, ở R, đặc biệt khi học viên đốn cây, đóng cọc, thầy dạy công thức toán học, vật lý như dùng đòn bẩy, ròng rọc cho đỡ tốn sức. Buổi lao động giống như giờ học ngoại khóa vui nhộn.
Vết thương của thầy Hùng phải trải qua 11 lần mổ, lần sau cùng năm 2011 do các giáo sư người Đức xử lý mới ổn. Sau giải phóng, thầy Hùng là Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Bước vào tuổi 80, thầy Hùng và nhà giáo Phạm Kim Yến sống an nhàn khi các con đều thành đạt.
Thầy Hùng nói: “Với tôi sống lạc quan, làm việc có ích cho xã hội, cho đất nước, cho nhân dân bằng khả năng và hoàn cảnh của mình là hạnh phúc. Khi vào Đảng, chúng tôi đứng trước cờ Đảng và ảnh Bác thề trọn đời phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng và của Bác Hồ. Lời thề đó nằm trong huyết quản chúng tôi. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi tuyên thệ trước Đảng, trước Bác và nhắc mình mọi hành động và việc làm phải có ích lợi cho dân, cho nước”.
Bài và ảnh: THANH XUÂN
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: