09/12/2020 15:09
Tôi biết Trân tình cờ qua lần em thể hiện bài hát về mẹ trong buổi sinh hoạt chuyên đề chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 ở trường. Sự tự tin, hoạt bát của Trân không phải ngẫu nhiên mà đó là kết quả của thái độ sống tích cực và sự rèn luyện bền bỉ với mong muốn hòa nhập cộng đồng, sống có ích.
Em Huỳnh Phan Bảo Trân - học sinh lớp 10A4, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá) phát biểu trong giờ học lịch sử.
Bảo Trân kể, mẹ sinh em thiếu tháng nên lúc lọt lòng em phải hấp điện trong lồng kính. Vì thế, mắt em mờ dần và mất hẳn ánh sáng khi em lên 4 tuổi. Để em được đi học, mẹ em đưa em đến mái ấm khiếm thị Vị Thủy (Hậu Giang); sau khi học chữ nổi, em học lớp 1 hòa nhập cùng các bạn mắt sáng.
Sớm rời vòng tay cha mẹ, cuộc sống xa nhà của cô bé khiếm thị trải qua nhiều khó khăn. Được các sơ trong mái ấm cho đi học, chăm sóc tận tình nên Trân dần quen với cuộc sống mới. Học hết tiểu học, Trân được cha mẹ đón về, cho học Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (TP. Rạch Giá).
Vốn ham học hỏi, Bảo Trân tìm tòi học cách sử dụng máy vi tính, điện thoại di động. Thành tích học tập cấp trung học cơ sở của Trân khá tốt với 2 năm đạt loại khá, 2 năm đạt loại giỏi và được học lớp 10 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt.
Em Huỳnh Phan Bảo Trân (bên trái) - học sinh lớp 10A4, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá) viết chữ nổi.
Học cùng các bạn sáng mắt, Bảo Trân không cảm thấy tự ti, trái lại rất hòa đồng và luôn tích cực tham gia các hoạt động phù hợp sức mình. “Mỗi người có một giá trị riêng, không làm được việc này thì mình làm việc khác; việc của em hiện tại là học thật tốt”, Trân chia sẻ. Với lối suy nghĩ tích cực ấy, Trân học tập chăm chỉ, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài.
Để theo kịp các bạn, Trân phải tự học nhiều hơn, chăm chỉ làm bài tập và thường xuyên trao đổi bài với bạn bè trong lớp. Trân học tốt các môn khoa học xã hội, tiếng Anh. Cô bé dự định học tiếp đại học để có thể tìm được việc làm ổn định, sống tốt trong tương lai. Trân còn lên mạng kết bạn, trò chuyện với bạn bè đồng cảnh ngộ để chia sẻ và có thêm động lực phấn đấu. Em Trần Thái Diễm My - lớp trưởng lớp 10A4 thường xuyên giúp đỡ Bảo Trân trong lớp học. “Bảo Trân rất hòa đồng, học tập tốt, nắm vững kiến thức và hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực”, Diễm My cho biết.
Đối với việc tổ chức dạy học cho em Huỳnh Phan Bảo Trân, cô Trần Thị Kim Phụng - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt cho biết, đầu năm học, cô nghiên cứu văn bản liên quan giáo dục hòa nhập, chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học riêng cho Trân trên cơ sở phối hợp gia đình, tìm hiểu học lực và nguyện vọng của em.
Trân được trường miễn tiền khuyến học, bán trú, học phí buổi chiều; được miễn học môn giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng, an ninh, riêng môn tiếng Anh được học nhưng không thực hiện kiểm tra, đánh giá vì sách dành cho học sinh khiếm thị chỉ có sách hệ 7 năm còn trường dạy học theo sách hệ 10 năm.
Về kiểm tra, đánh giá, giáo viên cho em trả bài trực tiếp; khi kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết bằng hình thức viết, giáo viên đọc đề, cho Trân làm bài trên bảng chữ nổi vào buổi tối sau đó đọc bài cho mẹ viết rồi nộp cho giáo viên vào sáng hôm sau. Đối với bài kiểm tra thời lượng dài, trường cho em viết đề về nhà làm bài rồi thu âm chuyển cho giáo viên chấm.
Em Huỳnh Phan Bảo Trân (bên trái) - học sinh lớp 10A4, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá) ra về cùng bạn.
Thầy Lý Hoàng Luân - giáo viên dạy lịch sử lớp 10A4 cho biết, dù kém may mắn hơn các bạn, học tập, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng Trân luôn vui vẻ, yêu đời. “Không chỉ tôi mà nhiều giáo viên khen Trân thông minh, học tập siêng năng và chăm phát biểu xây dựng bài, mạnh dạn phát biểu ý kiến trong giờ học”, thầy Luân cho biết.
Sau cuộc trò chuyện, tôi ngỏ ý dắt Trân lên lớp. Phòng học trên lầu nhưng khi đến cầu thang, Trân đề nghị cho em được tự đi vì đã quen đường.
Nhìn đôi chân em nhanh nhẹn, bước thoăn thoắt lên từng bậc cầu thang, nét mặt tươi vui vì được tự bước đi trong bóng tối khiến tôi thấy khâm phục nghị lực và sự lạc quan của cô bé ấy. Nhớ về Trân, tôi nhớ về phương châm sống của em: “Khó khăn phải tìm cách khắc phục, không gì là không thể, quan trọng là phải sống chan hòa, yêu thương mọi người và trở thành người có ích”.
Bài và ảnh: BẢO HÂN
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: