15/12/2020 08:42
Từ thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương), để di chuyển ra ấp Hòn Ngang, tôi đi tàu khoảng 45 phút. Trên đảo có hơn 200 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Những năm gần đây, nguồn hải sản ở đảo ít, công việc đánh bắt hải sản của ngư dân khó khăn, thu nhập bấp bênh. Dù được lãnh đạo xã, huyện quan tâm nhưng cách trở về địa lý nên đời sống của người dân ấp Hòn Ngang còn khó khăn. So trẻ em ở đất liền, trẻ em ở Hòn Ngang thua thiệt trong điều kiện sống, đi lại và học tập.
Lớp học ghép điểm lẻ ấp Hòn Ngang.
Hiện ấp Hòn Ngang có một điểm lẻ thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Hải. Điểm lẻ tồn tại hơn 20 năm với nhiều thế hệ giáo viên và học sinh dạy và học. Trước kia, trường chỉ là một ngôi nhà, sau đó lãnh đạo địa phương xây dựng thành lớp học. Điểm lẻ chỉ có một phòng học là lớp học ghép các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 với 20 học sinh. Căn phòng có không gian nhỏ hẹp, các dãy bàn được xếp thành các hướng quay riêng biệt và bố trí 5 nhóm học sinh (lớp 1, 2, 3, 4 và 5) ngồi học.
Thầy Nguyễn Minh Thiện - giáo viên điểm lẻ Hòn Ngang chia sẻ: “Điều kiện học ở đây của các em rất khó khăn vì các em ở Hòn Ngang, giáo viên ở ấp Hòn Heo, thuộc trung tâm xã Sơn Hải. Lúc sóng to, giáo viên không qua được thì học sinh phải nghỉ học. Các em thiếu sách vở phải đợi giáo viên đem qua, việc giảng dạy lớp ghép khó khăn. Dù khó khăn nhưng các em đến tuổi đi học đều đến lớp rất chăm chỉ”.
Dạy lớp học “5 trong 1”, thầy Thiện có phương pháp dạy học riêng, khi lớp 1 học ghép vần thì lớp 5 học toán, mỗi lớp sẽ học luân phiên các môn. Tuy có nhiều khối lớp chung phòng học nhưng không khí lớp lúc nào cũng nề nếp, nghiêm túc. Những môn phụ như văn nghệ, thể dục được tinh giản.
Thầy Minh Thiện hướng dẫn học sinh lớp học ghép điểm lẻ ấp Hòn Ngang học bài.
Nói về tâm huyết với nghề dạy trẻ, thầy Thiện chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự khó khăn của các em ở xã đảo nên tôi tình nguyện dạy học cho các em”. Chị Trần Thị Nga - phụ huynh em Tuấn Anh, học sinh lớp 1 điểm lẻ Hòn Ngang cho biết: “Trên đảo thưa dân, ít học sinh đi học nên được giáo viên dạy chữ cho con em, chúng tôi mừng lắm. Thầy cô không mở lớp, không biết chuyện học hành của tụi nhỏ thế nào?”.
Theo đồng chí Châu Minh Trung - Bí thư kiêm Trưởng ấp Hòn Ngang: “Lớp ghép ở điểm lẻ chỉ dạy đến lớp 5, khi các cháu học xong lớp này, phụ huynh ở ấp Hòn Ngang tìm nhà người quen bên điểm chính ở ấp Hòn Heo hoặc đất liền cho các cháu học tiếp. Nếu gia đình nào không tìm được người thân đành cho các cháu nghỉ học. Cùng sự vận động của giáo viên, chính quyền địa phương, hầu hết các hộ dân trên đảo đều cho con em đến trường để biết chữ”. Dù thuộc xã xa đất liền nhưng giáo viên và học sinh ở điểm lẻ Hòn Ngang không bao giờ chùn bước, nỗ lực vượt khó, có nhiều thế hệ học sinh ở đây ra trường và có việc làm ổn định. Điều quý hơn là có nhiều giáo viên trẻ là con em xã đảo sau khi tốt nghiệp đại học về quê dạy học.
Việc gieo chữ, trồng người ở đảo xa chưa bao giờ dễ, nhưng bằng tinh thần hiếu học, vượt khó của thầy và trò điểm lẻ Hòn Ngang, hy vọng chất lượng học tập của học sinh nơi đây ngày càng nâng lên.
Bài và ảnh: THÚY TÀI
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: