18/09/2022 11:33
Năm học 2022-2023, Kiên Giang có 66 đơn vị, trường học tổ chức dạy học lớp 10, tổng số 14.687 học sinh giáo dục phổ thông, 1.903 học viên giáo dục thường xuyên.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai - Trưởng Phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Sự khác biệt nhiều nhất giữa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018 là ở cấp trung học phổ thông.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp trung học phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Như vậy, khi học sinh bắt đầu vào lớp 10, học sinh và cha mẹ học sinh phải định hướng nghề nghiệp trong tương lai để chọn tổ hợp môn học tự chọn phù hợp.
“Vì có nhiều điểm mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang sớm tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 10; ban hành hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm học 2022-2023. Sở yêu cầu các trường có cấp trung học phổ thông xây dựng tổ hợp môn lựa chọn đảm bảo có các môn học trong chương trình để tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học tập, phát huy năng lực và phù hợp sở thích, định hướng nghề nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thị Mai cho biết.
Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) có 12 lớp 10 gồm 11 lớp chuyên và 1 lớp không chuyên với tổng số 420 học sinh. Do đặc thù trường chuyên, trường định hướng và tổ chức cho học sinh chọn tổ hợp môn tự chọn vừa phù hợp nguyện vọng của các em vừa phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị của trường.
“Quá trình dạy học, trường tiếp tục theo dõi, khảo sát để có điều chỉnh phù hợp hơn, mục tiêu là có giải pháp dạy học tốt nhất, đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh”, thầy Phạm Thành Sang - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt cho biết.
Em Vũ Thành Công - học sinh lớp 10 Toán 2, Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, chọn tổ hợp môn tự chọn là vật lý, hóa học, sinh học, tin học cho biết, tổ hợp môn tự chọn này phù hợp nguyện vọng, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của em.
Học sinh lớp 10 Toán 2, Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) trong giờ môn sinh học.
Năm học này, Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (Kiên Giang) có 12 lớp 10 với 504 học sinh. Theo thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, trong kế hoạch tuyển sinh, trường xây dựng 8 tổ hợp để học sinh chọn theo 3 định hướng cơ bản: Định hướng các môn tự nhiên, các môn xã hội và các môn nghệ thuật.
Đối với tổ hợp tự nhiên và xã hội, trường tận dụng, khai thác đội ngũ giáo viên hiện có. Riêng môn học nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật, trường mở 2 lớp với 80 học sinh lựa chọn tổ hợp này. Do chưa có giáo viên nên trường hợp đồng với 2 giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học sư phạm âm nhạc và mỹ thuật.
Đối với môn giáo dục thể chất, Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng cho học sinh lớp 10 tự chọn một trong ba môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và giảng dạy buổi chiều, sắp xếp lại lớp theo sự lựa chọn của học sinh.
Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang có 4 lớp với 140 học sinh lớp 10. Từ tuần đầu nhập học, trường tổ chức họp học sinh khối 10, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thông tư, quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong buổi họp, trường triển khai cụ thể, hướng dẫn học sinh chọn môn tự chọn theo năng lực và thế mạnh của bản thân. Kết quả, trường có hai lớp khoa học tự nhiên, hai lớp khoa học xã hội.
Cô Danh Thị Huyền Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang cho biết: “Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường chọn giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018, phân công giảng dạy theo khung chương trình tổng thể của mỗi môn học. Việc giảng dạy các môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo yêu cầu nội dung chương trình theo quy định, phù hợp đối tượng học sinh”.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương. Mỗi học sinh chọn 4 trong số 9 môn học lựa chọn gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh được chọn học 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Các môn học, hoạt động giáo dục như âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương là những môn học, hoạt động mới so chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. |
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: