26/08/2022 14:40
NHU CẦU TĂNG, KHÓ KHĂN VỀ BIÊN CHẾ
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, từ năm 2019 đến 2021, tổng biên chế được giao giảm 1.461 biên chế. Theo khoản 1, Điều 5, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014 của Chính phủ về quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản, đơn vị được sử dụng 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật trong giai đoạn 2017-2021. Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai, thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế, hàng năm đều thực hiện tinh giản đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Theo đó, năm 2018 giảm 670 biên chế, năm 2019 giảm 613, năm 2020 giảm 699, năm 2021 giảm 698, năm 2022 giảm 538.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 624 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thành phố. Theo kế hoạch huy động học sinh năm học 2022-2023, toàn tỉnh dự kiến có 10.324 lớp, với 332.897 học sinh. Cụ thể, khối mầm non có 141 trường, 1.262 lớp với 33.958 trẻ; tiểu học 255 trường, 5.401 lớp, 157.205 học sinh; trung học cơ sở 165 trường, 2.601 lớp, 98.879 học sinh; trung học phổ thông 50 trường, 973 lớp, với 40.115 học sinh; khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 13 trung tâm, 87 lớp, với 2.740 học viên.
Năm 2022 (năm học 2022-2023), biên chế giao lĩnh vực giáo dục và đào tạo 21.759 biên chế; trong đó, đơn vị sự nghiệp giáo dục được giao 21.302 biên chế, không giảm so năm học 2021-2022. Căn cứ số học sinh, số lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh có báo cáo về kế hoạch số lượng người làm việc năm học 2022-2023. Theo đó, đề nghị bổ sung cho giáo dục 1.280 biên chế (mầm non 581, tiểu học 241, trung học cơ sở 214, trung học phổ thông 244).
Đồng chí Lê Thị Út Tím (bìa phải) - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đến thăm lớp 1/4 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP. Rạch Giá nhân ngày tựu trường năm học 2022-2023.
Đồng chí Trần Quang Bảo - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết, ngành giáo dục và đào tạo đang gặp một số khó khăn về biên chế. Ngành đang thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020, kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non (mở rộng đến trẻ 3, 4 tuổi). Theo quy định, tất cả học sinh lớp 1, 2, 3 phải được học hai buổi/ngày; học sinh lớp 3 có thêm môn học bắt buộc là tiếng Anh, tin học; khối lớp 6 và lớp 10 có thêm môn học bắt buộc là âm nhạc, mỹ thuật… Từ đó, dẫn đến nhu cầu số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhưng chưa được bổ sung biên chế kịp thời.
Công tác tuyển dụng tuy đã được các đơn vị quan tâm thực hiện nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, một số môn học mới được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc nhưng chưa được bổ sung vị trí việc làm như tiếng Anh, tin học cấp tiểu học; âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc cấp giáo dục phổ thông. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thiếu cơ sở xây dựng, thẩm định biên chế, tuyển dụng viên chức cho các môn học này.
GIẢI PHÁP TÌNH THẾ
Để thực hiện nhiệm vụ dạy học năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang chủ động thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu biên chế giáo viên.
“Trước mắt, các đơn vị, trường học phân công giáo viên dạy tăng tiết, vượt giờ thực hiện chi trả chiết tính cho giáo viên đúng quy định sẽ cơ bản giải quyết được khó khăn. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo xây dựng ngay kế hoạch biên chế cho năm học 2023-2024. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện theo hướng dự báo số lượng học sinh huy động được đầu năm học và căn cứ các thông tư, quy định để xác định số lượng học sinh, lớp để làm căn cứ xin biên chế đảm bảo đúng, đủ”, đồng chí Trần Quang Bảo nói.
Kỳ tuyển dụng viên chức năm 2022 của các đơn vị trực thuộc sở vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cần tuyển 136 viên chức vào làm việc tại 36 đơn vị trực thuộc sở. Kết quả, có 82 người trúng tuyển; đến ngày 15-8, có 79 người hoàn thiện hồ sơ.
Để phục vụ dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tuyển dụng 2 giáo viên trung học cơ sở dạy mỹ thuật, 2 giáo viên trung học cơ sở dạy âm nhạc. Kết quả, tuyển dụng được 2 giáo viên dạy mỹ thuật về công tác tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng và Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất; tuyển dụng được 1 giáo viên âm nhạc về công tác tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng.
Cô Trần Thu Hường - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/4 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) kiểm tra sách, vở của học sinh.
Đối với môn mỹ thuật, âm nhạc cấp trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho giáo viên trung học cơ sở đi học liên thông lên đại học 1 năm để dạy trung học phổ thông, ưu tiên tiếp nhận những giáo viên này đến dạy tại các trường trung học phổ thông. Hiện sở thực hiện đào tạo 1 lớp văn bằng 2 cho giáo viên có trình độ đại học các bộ môn văn hóa cơ bản, đặc biệt ưu tiên chọn giáo viên các môn lịch sử, thể dục, giáo dục công dân học văn bằng 2 bộ môn giáo dục quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu trình độ chuẩn giáo viên.
CHỈ ĐẠO THÁO GỠ
Theo Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương, Kiên Giang được bổ sung tổng số 294 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023; trong đó, mầm non 185, tiểu học 22, trung học cơ sở 31, trung học phổ thông 56.
Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Theo nhu cầu định mức ngành giáo dục và đào tạo, năm học 2022-2023 thiếu 1.280 biên chế, theo Quyết định số 72-QĐ/TW được bổ sung 294 biên chế. Như vậy, ngành giáo dục và đào tạo còn thiếu 986 biên chế.
Trong một số cuộc họp, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang trình bày vấn đề thiếu biên chế giáo viên phục vụ dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như phổ cập giáo dục mầm non.
Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể về tình hình quản lý, sử dụng biên chế của ngành để Tỉnh ủy xem xét, tháo gỡ.
“Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành báo cáo vấn đề này. Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cố gắng khắc phục khó khăn để vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao”, đồng chí Trần Quang Bảo cho biết.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: