18/02/2024 17:31
Show "Rối Việt - Trẩy hội mùa xuân" tại Phú Quốc là sân khấu múa rối nước đầu tiên trên bãi biển tại Việt Nam.
“Trẩy hội mùa xuân” được thiết kế để tái hiện những tinh hoa của đời sống lao động sản xuất, tín ngưỡng, văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt vào mỗi dịp tết đến xuân về.
8 tiết mục đưa người xem vào dòng chảy bất tận của văn hóa Việt, được các nghệ sĩ dân gian kể về hội làng, truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên, nón quai thao, nền nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ… qua ngôn ngữ của rối, của âm nhạc truyền thống.
Những con rối đầy màu sắc dưới sự điều khiển của các nghệ sĩ tạo nên những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, sống động.
Tiết mục “Kể chuyện ngày mùa” với sự xuất hiện của con trâu và người nông dân gây thích thú cho người xem.
“Trẩy hội mùa xuân” không chỉ là múa rối nước, mà còn kết hợp đa dạng loại hình biểu diễn như rối cạn, nghệ thuật múa và hát. Âm nhạc biểu diễn cũng giới thiệu đến du khách các nghệ thuật sân khấu khác như hát chèo, hát Chầu văn.
Sự kết hợp của âm nhạc và trình diễn nghệ thuật truyền thống mang đến nhiều cảm xúc, trải nghiệm cho người xem. Đặc biệt ở tiết mục “Kể chuyện ngày mùa” với sự xuất hiện của con trâu và người nông dân đã khiến nhiều du khách vỡ òa với tiếng vỗ tay không ngớt.
Trong khi đó, tiết mục “Duyên dáng quai thao” gây choáng ngợp bởi hiệu ứng trình diễn, khi nghệ sĩ múa xuất hiện trên một chiếc nón khổng lồ cùng vũ đạo uyển chuyển, thướt tha tựa làn mây khiến người xem không thể rời mắt.
Nghệ sĩ múa biểu diễn trên nón quai thao.
"Xin chào Việt Nam" là tiết mục kết thúc show diễn, được hòa âm mới bằng 4 loại nhạc cụ truyền thống sáo, nhị, bầu, tranh kết hợp cùng múa áo dài và nón lá mang thông điệp là lời chào của người Việt đến bè bạn, du khách trên toàn thế giới.
Cate, du khách đến từ Mỹ, chia sẻ: “Chương trình rất thú vị. Tôi đã được nghe nói rất nhiều về nghệ thuật rối của Việt Nam, đặc biệt là rối nước nhưng chưa có cơ hội được xem. Thật may mắn vì hôm nay gia đình tôi đến Phú Quốc lại được đón xem và tìm hiểu thêm về rối, các nét văn hóa của Việt Nam qua rối”.
Jing Xiang, du khách Đài Loan (Trung Quốc) tỏ ra phấn khích sau chương trình: “Chương trình biểu diễn quá đẹp và cầu kỳ, từ sân khấu nước đến trang phục và những con rối. Tôi thật sự khâm phục những nghệ sĩ đã điều khiển chúng khéo léo và có hồn như vậy”.
Để tạo nên một chương trình hấp dẫn, mới lạ và giữ trọn vẹn những nét văn hóa truyền thống, Sun Group hợp tác cùng Nhà hát Múa rối Việt Nam dàn dựng, thiết kế chương trình phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Rối Việt là một trong những chương trình biểu diễn được Sun Group đầu tư tại tổ hợp vui chơi, giải trí có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng tại thị trấn Hoàng Hôn, với khát vọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt đến với chính người Việt và du khách quốc tế.
Sau mỗi chương trình biểu diễn, du khách còn được trải nghiệm tương tác với các nghệ sĩ, trải nghiệm múa rối nước, diễu hành rối vòng quanh bãi biển và chợ đêm Vui Phết...
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống ra đời từ sáng tạo đặc trưng của người Việt. Ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng (cũng có ý kiến cho rằng trò rối nước ra đời từ thời xây thành Cổ Loa, năm 255 trước công nguyên).
Du khách nước ngoài thích thú xem múa rối nước tại Phú Quốc.
Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Múa rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam.
Múa rối nước đang dần mai một, do vậy show diễn “Rối Việt - Trẩy hội mùa xuân” đã mang tới một làn gió mát của văn hóa truyền thống giữa không gian đậm chất châu Âu của thị trấn Hoàng Hôn.
Với chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc, công trình biểu tượng liên tục được đầu tư, thị trấn Hoàng Hôn đang trở thành một trong những nơi thu hút du khách bậc nhất tại đảo ngọc Phú Quốc.
Sân khấu của show "Rối Việt - Trẩy hội mùa xuân" tái hiện thủy đình chùa Thầy - Di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ thời Lý đã tạo nên điểm nhấn giữa không gian hiện đại và nên thơ tại thị trấn Hoàng Hôn.
Nghệ thuật múa rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường là dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che (được gọi là tấm y môn). Xung quanh sân khấu biểu diễn múa rối nước trang trí cờ, quạt, lọng, cổng hàng mã... trên sân khấu là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... Biểu diễn rối nước cũng không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo phụ trợ… |
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm điều khiển rối nước sau show diễn.
TRUNG HIẾU - THỦY TIÊN thực hiện
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: