19/04/2024 13:53
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 16-11-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng.
Công tác quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch được chú trọng; hạ tầng kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư; tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch được nâng lên… Kết quả phát triển du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, khẳng định hình ảnh, uy tín của tỉnh.
Du khách tắm biển tại Mũi Nai (TP. Hà Tiên).
Để đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 19-3-2024 chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục xác định phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn, là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của các cấp, ngành, toàn hệ thống chính trị và nhân dân; cần phát huy, khơi thông tốt nguồn lực để thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng và UBND các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng yếu, đột phá của tỉnh…
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các đề án phát triển du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch. Xây dựng chương trình mỗi vùng du lịch trọng điểm tiến tới mỗi huyện, thành phố một sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong, ngoài nước; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh.
Theo Trưởng Phòng tuyển sinh kiêm trợ lý học vụ Hotel Academy Phú Quốc Nguyễn Phúc Viễn Đông, phát triển du lịch bền vững là tất yếu; trong đó nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bởi thỏa thuận MRA-TP (thỏa thuận quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng trưởng thương mại giữa các quốc gia) cho phép dịch chuyển người lao động trong du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN. Vì vậy người lao động Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN và ngược lại. Phú Quốc có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng các vị trí đòi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt hiện nay…
Tuy nhiên, ông Đông cho rằng cần thiết phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngay tại Kiên Giang, nhất là Phú Quốc để phục vụ du lịch của tỉnh. “Phú Quốc cần thành lập hội đồng tư vấn, giáo dục, đào tạo nhân lực du lịch trình độ quốc tế gồm các chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn khách sạn, lữ hành, ẩm thực, giải trí đa quốc gia. Hội đồng này có trách nhiệm tư vấn Phú Quốc hoạch định chiến lược, xây dựng giải pháp cụ thể, trong đó có các chính sách, cơ chế đặc thù cho đào tạo trình độ quốc tế, cơ chế ưu tiên đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển du lịch bền vững...”, ông Đông nói.
Riêng các cơ sở đào tạo chủ động nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp tình hình thực tế tại Phú Quốc. Doanh nghiệp du lịch thường xuyên tham gia công tác đào tạo, đóng góp ý tưởng cho trường, cơ sở đào tạo với vai trò là chuyên gia; tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý cho các vị trí lãnh đạo để doanh nghiệp chủ động phát triển đội ngũ tại chỗ đúng với mô hình và tình hình kinh doanh thực tế…
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Hà Tiên Chung Lợi Hưng cho biết, Hà Tiên có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thành phố có 7 tour du lịch trong và ngoài tỉnh, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, các loại hình du lịch ven biển, các đảo…
“Để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, TP. Hà Tiên tăng cường huy động vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đầu tư và khuyến khích đầu tư các loại hình nghệ thuật, các điểm vui chơi, giải trí hoạt động về đêm; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đầm Đông Hồ, du lịch cộng đồng xã đảo Tiên Hải. Thành phố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch Hà Tiên; mở rộng liên kết, hợp tác phát triển, liên kết vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài nước…”, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Hà Tiên Chung Lợi Hưng nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: