25/08/2023 13:37
U Minh Thượng (Kiên Giang) là khu căn cứ cách mạng trong kháng chiến và là một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Vườn quốc gia U Minh Thượng có tiềm năng lớn để khai thác du lịch sinh thái, kết hợp tìm hiểu lịch sử cách mạng trong quần thể di tích ngã ba Cây Bàng, Nhà Ngang, Vĩnh Tiến, Công Sự, Ấp Khân, Khu căn cứ Tỉnh đội Xẻo Cạn - Bờ Dừa, khu căn cứ Tỉnh ủy Kiên Giang... để thu hút du khách.
Theo UBND huyện U Minh Thượng, từ năm 2018 đến nay trung bình mỗi năm U Minh Thượng đón trên 58.400 lượt du khách, doanh thu đạt 4,32 tỷ đồng. Những năm qua, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại địa phương được quan tâm đầu tư; thị trường du lịch từng bước mở rộng; sản phẩm du lịch được phát triển; công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch được chú trọng…
Tuy nhiên, du lịch U Minh Thượng vẫn ở giai đoạn khởi đầu; tiềm năng phát triển chưa được đánh giá đầy đủ và chưa gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại những điểm đến, sản phẩm du lịch còn đơn điệu; hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao; lượng du khách đến lưu trú, nhất là du khách ngoài tỉnh và quốc tế còn ít...
Du khách tham quan tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Đồng chí Huỳnh Phước Tỷ - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho rằng, để từng bước đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, U Minh Thượng tiếp tục tập trung nguồn lực tạo đột phá trong quá trình phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa giao tiếp, ứng xử cho hướng dẫn viên, công chức phụ trách công tác du lịch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch hiện có, thành lập mới tuyến du lịch ven sông Cái Lớn; xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ để thúc đẩy giao thương và phát triển du lịch…
“U Minh Thượng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư homestay, cơ sở lưu trú, nhà hàng; xây dựng chương trình văn hóa ẩm thực, đờn ca tài tử, các hoạt động du lịch như xuồng ba lá, ghe ngo, trò chơi dân gian, canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống, làm các đồ dùng sinh hoạt trong nông nghiệp... nhằm nâng cao tính trải nghiệm cho du khách. Song song đó, huyện tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, có cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích, hình thành các làng nghề truyền thống, tổ chức lễ hội, phát huy và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa…”, đồng chí Huỳnh Phước Tỷ nói.
Theo Sở Du lịch, tỉnh Kiên Giang đang hoàn thành nội dung quy hoạch phát triển du lịch tỉnh tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017. Trong đó, chú trọng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm, trong đó có U Minh Thượng; dành quỹ đất cho phát triển du lịch để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch…
Đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: “Để thúc đẩy du lịch các vùng du lịch trọng điểm phát triển, tỉnh tập trung huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại các vùng du lịch trong tỉnh; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và xây dựng các công trình văn hóa, thể thao tạo điểm nhấn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước trong việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch...”.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: