10/07/2022 10:01
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Theo Sở Du lịch, Kiên Giang có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, bước đầu đã hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Kiên Giang khai thác các nhóm sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái, biển, đảo, rừng; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp; nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; sản phẩm du lịch dựa trên những giá trị văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng… Thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện 2 đề án phát triển du lịch cộng đồng tại TP. Hà Tiên, bước đầu đạt hiệu quả khi thu hút 277.219 lượt khách tham quan, du lịch.
Anh Trịnh Bảo Quốc - du khách đến từ Cà Mau chia sẻ: “Tôi vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm các dịch vụ trong Vườn quốc gia U Minh Thượng. Cảm giác câu cá giữa rừng, ngắm từng đàn chim, cò chao liệng trên bầu trời rộng lớn thật thích thú. Buổi tối, tôi cùng nhóm bạn nhâm nhi ly rượu đế với món cá lóc đồng nướng trui thơm phức, kèm rau rừng khiến bao mệt nhọc tan biến, tạo năng lượng tích cực để bắt đầu công việc của tuần mới”.
Bè nuôi cá trên biển được người dân xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải) kết hợp làm du lịch phục vụ du khách.
Theo đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch, du lịch cộng đồng tại Kiên Giang hình thành và phát triển tại nhiều địa bàn trong tỉnh, góp phần tạo sinh kế việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, sở tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, trở thành sản phẩm nổi bật, có lợi thế cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG KIÊN GIANG
Theo Sở Du lịch, mặc dù du lịch cộng đồng Kiên Giang phát triển, song thị trường khách còn hẹp, khả năng cạnh tranh chưa cao, nguồn nhân lực hạn chế... Thời gian tới, Kiên Giang tập trung phát triển du lịch cộng đồng đa dạng, bền vững với sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống.
Kiên Giang tăng cường phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch, ưu tiên đầu tư phát triển công trình tạo điểm nhấn để thu hút du khách; tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch bằng cách tổ chức lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia du lịch cộng đồng kiến thức và kỹ năng du lịch cần thiết như kỹ năng phục vụ du lịch có trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch, ngoại ngữ... “Tỉnh huy động mọi điều kiện, nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch tại địa bàn nông thôn, hải đảo; thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án như chương trình nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đồng chí Bùi Quốc Thái nói.
Du khách trải nghiệm bắt cua trên đầm Đông Hồ (TP. Hà Tiên).
Song song đó, Kiên Giang tăng cường kết nối với các công ty du lịch lữ hành, tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng trong và ngoài nước. Tỉnh khuyến khích người dân đầu tư phát triển du lịch như làm homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản địa phương... Xây dựng quy chế hoạt động trong mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Tăng cường liên kết, phát triển các tuyến, điểm du lịch; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch…
Theo ông Du Tố Tuấn - Giám đốc Công ty lữ hành Vietravel chi nhánh Rạch Giá, với xu hướng phát triển du lịch xanh, thời gian tới, du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch chiếm ưu thế. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Kiên Giang có đủ điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm đặc trưng. Để làm được điều đó, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý điểm đến. Việc này hạn chế đầu tư sai quy hoạch, phá vỡ cảnh quan, đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Mặt khác, tỉnh chú trọng khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, tạo điểm nhấn của mỗi địa phương để tránh đơn điệu, trùng lặp, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách...
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, xác định đến năm 2025 Kiên Giang có 3 điểm du lịch cộng đồng được tham gia đánh giá, phân hạng về mức hài lòng của khách du lịch đạt mức đánh giá trung bình trở lên, trong đó ít nhất 1 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt. Đến năm 2030, Kiên Giang có ít nhất 10 điểm du lịch cộng đồng tham gia đánh giá, phân hạng về mức hài lòng của khách du lịch đạt mức đánh giá trung bình trở lên, trong đó có ít nhất 3 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt. |
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: