22/04/2022 15:32
Theo UBND huyện Giồng Riềng, huyện có các điểm đến phục vụ khách tham quan, du lịch, vui chơi như vườn dâu xã Long Thạnh; vườn sầu riêng, măng cụt, tiêu ở các xã Ngọc Hòa, Hòa Thuận; di tích văn hóa đình Thạnh Hòa; di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ Tỉnh ủy; các điểm sản xuất hàng hóa mang thương hiệu của huyện như bánh tráng Mạnh Tài, rượu Hoa Hải Đường, mắm Tám Dô, khu rừng tràm kết hợp nuôi ong lấy mật...
Đồng chí Huỳnh Văn Thái Quỳnh - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết: “Thời gian qua, huyện khảo sát, quy hoạch bước đầu tại các khu vực tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn như xây dựng phương án mở rộng đường, xây cầu mới, mở rộng diện tích trồng dâu, cây ăn trái tại vườn dâu xã Long Thạnh; khảo sát, đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, diện tích đối với vườn sinh thái xã Ngọc Hòa; chỉnh trang cảnh quan, môi trường các vườn sinh thái; hướng dẫn các chủ vườn kinh doanh đúng quy định… Tuy nhiên, do đặc thù về vị trí địa lý nên du lịch của huyện phát triển chậm hơn so một số huyện trong tỉnh”.
Xã Long Thạnh có 16 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, chủ yếu là vườn dâu với diện tích hơn 92.800m². Các dịch vụ đang được khai thác như tham quan vườn trái cây, thưởng thức trái cây tại vườn, câu cá giải trí, phục vụ các món đặc sản tại chỗ... Chủ vườn cho biết, lượng khách ổn định nhất vào dịp hè khoảng tháng 4 đến tháng 7 khi các loại cây bắt đầu cho trái… Đây là một trong những điểm du lịch được doanh nghiệp lữ hành đánh giá có thể khai thác tốt nếu địa phương, nhà vườn đầu tư thêm một số hoạt động làm phong phú sản phẩm du lịch.
Du khách tham quan vườn dâu Cát Tường, xã Long Thạnh (Giồng Riềng).
Theo ông Lý Thừa Lợi - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ du lịch Bờ Biển Vàng (TP. Rạch Giá), qua khảo sát và trao đổi với các chủ kinh doanh cho thấy, dịch vụ du lịch Giồng Riềng thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, chủ yếu khách lẻ, chưa kết nối được với các công ty du lịch. Các dịch vụ kinh doanh theo thời vụ, chưa bền vững và chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của địa phương… Để khai thác tốt loại hình du lịch sinh thái, địa phương cần đầu tư một số hạng mục nhỏ như mở rộng đường giao thông tại các điểm du lịch, có các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện…
Vườn dâu Long Thạnh là sản phẩm tốt, đường vào các vườn nhỏ, uốn lượn dưới tán cây đẹp, chủ vườn chỉ cần đầu tư xe đạp để khách du lịch đi từ vườn này sang vườn khác vừa ngắm cảnh vừa hít thở không khí trong lành; trồng thêm nhiều loại cây để có thể khai thác du lịch quanh năm; thêm một số điểm check-in tạo điểm nhấn; nạo vét mương trong vườn để khách bơi xuồng ba lá trải nghiệm hoạt động giăng lưới, đặt lờ… khách sẽ rất thích thú và doanh nghiệp lữ hành cũng dễ đưa vào tour đưa khách đến địa phương.
Ông Tô Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên du lịch Đồng Hành Kiên Giang cho rằng: “Giồng Riềng có các điểm để khai thác du lịch sinh thái, tuy nhiên đến nay chưa có sản phẩm để khai thác tour là đáng tiếc. Thời gian tới, địa phương có thể hỗ trợ chủ vườn tập huấn nâng cao chất lượng phục vụ khách, học tập kinh nghiệm ở một số nơi phát triển mạnh về du lịch sinh thái để áp dụng tại địa phương… Tour du lịch trên sông kết nối các điểm du lịch sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch sinh thái Giồng Riềng để thu hút khách”.
Để du lịch sinh thái huyện Giồng Riềng phát triển tương xứng với tiềm năng, đồng chí Quảng Xuân Lụa - Phó Giám đốc Sở Du lịch gợi ý địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch; chú trọng tập huấn cho các chủ vườn có thể giới thiệu sản phẩm của địa phương đến du khách; tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng để tạo ra sản phẩm du lịch của địa phương. “Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch sinh thái Giồng Riềng phát triển là quy hoạch chi tiết vùng phát triển du lịch để tập trung đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư, tránh trùng lắp sản phẩm du lịch, hướng tới việc xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương. Sở Du lịch cùng địa phương tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết du lịch, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển…”, đồng chí Quảng Xuân Lụa nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: