04/09/2020 18:22
LƯỢNG KHÁCH VÀ DOANH THU GIẢM
Theo đánh giá của Sở Du lịch Kiên Giang, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành trong nước gần cuối tháng 7, du lịch tỉnh đang trên đà hồi phục khá tốt. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 bùng phát, tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch.
“Nhiều địa phương là thị trường du lịch trọng điểm của tỉnh ta có dịch COVID-19 nên ảnh hưởng trực tiếp lượng khách đến Kiên Giang. Ngoài ra, dịch bùng phát trở lại dịp hè là cao điểm của du lịch nội địa, trong khi một số địa phương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi du lịch ngoại tỉnh; cộng thêm tâm lý e ngại dịch bệnh COVID-19 của du khách nên lượng khách đến tỉnh giảm rất nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch chưa kịp vượt qua khó khăn, nay lại càng thêm khó khăn”, đồng chí Trần Chí Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch nói.
Ông Trần Văn Thảo - Giám đốc Vietravel Rạch Giá cho biết để chuẩn bị cho chuyến đi của du khách, đơn vị đã đặt dịch vụ với một số đối tác cung ứng dịch vụ. Khi dịch COVID-19 xảy ra, đa số đối tác sẽ lưu dịch vụ để chuyển qua giai đoạn khác, tuy nhiên các đơn vị lữ hành phải chuyển trả tiền tour cho khách hàng do họ hủy tour. Điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi phải xoay sở tài chính.
Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc cho nhân sự nghỉ việc không lương để chờ du lịch hồi phục. Nguồn nhân sự bị cắt giảm sẽ là bài toán về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động mạnh trở lại khi hết dịch.
Số liệu thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, từ cuối tháng 7-2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, du lịch tỉnh ta chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tháng 8, tỉnh ta đón 597.792 lượt khách du lịch (giảm 41% so với tháng 7), tổng doanh thu ước đạt 707 tỷ đồng (giảm 34,7% so tháng 7). Một số cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành xin giải thể hoặc đổi chủ. 1/2 số cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động trong thời gian xảy ra COVID-19.
GỠ KHÓ THẾ NÀO?
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 là mong muốn của ngành. Thời gian qua, Sở Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay ưu đãi, gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú…
Du khách tắm biển tại Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Kiên Giang cho rằng cần sự chia sẻ của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Truyền thông để khách hàng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bằng cách hoãn hoặc bảo lưu các gói du lịch và sử dụng lại khi hết dịch COVID-19. Đối với các doanh nghiệp cần cam kết rõ ràng để khách hàng có thể yên tâm về gói dịch vụ của mình.
“Trước mắt cần giải quyết các vấn đề như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ. Mỗi doanh nghiệp nên tận dụng thời gian này để tối ưu quy trình phục vụ khách, tối ưu sản phẩm - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng trở lại khi có cơ hội”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành là bài học cho các đơn vị rút kinh nghiệm điều chỉnh trong các hợp đồng cho các đợt kích cầu tiếp theo. Bởi đợt kích cầu du lịch vừa qua, khách tham gia rất đông vì chưa bao giờ có giá tốt hơn thế.
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chỉ hưởng lợi được ở việc tái khởi động hoạt động và duy trì bộ máy, chưa có lợi nhuận. Du khách tham gia chương trình được hưởng lợi cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, nên chuyển tour vào thời điểm thích hợp khi hết dịch bệnh COVID-19.
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này trong khi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp của Nhà nước, doanh nghiệp đề xuất được giảm tiền nước, thuê đất.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: